Giới thiệu chuyên ngành Khóa 21


Ngày 06 tháng 07 năm 2023, bộ môn Vật lý Điện tử cùng các bộ môn khác trong Khoa Vật lý - Vật lý Kỹ thuật cùng tổ chức buổi giới thiệu chuyên ngành cho các bạn sinh viên ngành Vật lý học Khóa 21 nhằm định hướng cho các bạn lựa chọn chuyên ngành phù hợp với nguyện vọng trong 2 năm cuối của chương trình đào tạo.

Buổi giới thiệu chuyên ngành gồm 2 phần:

- Buổi sáng, các bạn sinh viên được dẫn tới từng bộ môn để tham quan và giới thiệu về bộ môn. Tại bộ môn Vật lý Điện tử, buổi giới thiệu được tổ chức tại phòng E303 - cơ sở Nguyễn Văn Cừ. Các bạn sinh viên được tiếp xúc với các thầy cô và các anh chị sinh viên khóa trên đang học tại bộ môn để trao đổi về thông tin chung của bộ môn, giới thiệu một số bộ thực hành sẽ được tiếp cận trong quá trình học và giới thiệu về các cơ hội học bổng, du học và cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp tại bộ môn. 

Các bạn sinh viên nghe giới thiệu về bộ môn

Các bạn sinh viên nghe giới thiệu về bộ môn

Các bạn sinh viên khóa 21 trao đổi với bạn Trần Ngọc Luân, cử nhân tài năng khóa 19 đang học tại bộ môn VLĐT

Buổi chiều, các bạn sinh viên được giới thiệu chi tiết về từng bộ môn tại Giảng đường 1 - cơ sở Nguyễn Văn Cừ. Các bạn sinh viên được giới thiệu chi tiết hơn về định hướng nghiên cứu, chương trình đào tạo cũng như giải đáp thắc mắc về các thông tin của từng bộ môn. Phần giới thiệu chi tiết của bộ môn Vật lý Điện tử được trình bày bởi Thầy Nguyễn Chí Nhân - Trưởng bộ môn Vật lý Điện tử.

Các bạn sinh viên ngồi trong Giảng đường 1 - cơ sở Nguyễn Văn Cừ

TS. Nguyễn Chí Nhân, Trưởng bộ môn VLĐT, giới thiệu thông tin chi tiết về bộ môn

Sau buổi giới thiệu chuyên ngành, các bạn sinh viên Khóa 21 sẽ thực hiện đăng ký chuyên ngành phù hợp với bản thân, kết quả đăng ký chuyên ngành sẽ được thông báo vào khoảng đầu tháng 08 để các bạn có thể chuẩn bị và đăng ký học phần tương ứng.

 

Thông tin chung về bộ môn:

Chương trình đào tạo của bộ môn Vật lý Điện tử cung cấp các kiến thức cho sinh viên cả hai mặt lý thuyết và thực hành để tiếp cận các lĩnh vực điện tử số và tương tự, thiết bị đo, cảm biến, vi điều khiển, xử lý tín hiệu, thiết kế vi mạch và thiết kế hệ thống nhúng. 

Định hướng nghiên cứu của bộ môn gồm: 

1/ Cảm biến và điện tử y sinh: Linh kiện điện tử, mạch ứng dụng, thiết bị máy đo, cảm biến và MEMS. Thiết kế, mô phỏng và chế tạo cảm biến, MEMS cho các ứng dụng trong y sinh và công nghiệp công nghệ cao.

2/ Thiết kế hệ thống nhúng, thiết kế vi mạch, thiết bị thông minh, mạng cảm biến không dây và ứng dụng công nghệ AI, IoT và công nghệ radar vào các lĩnh vực như: nông nghiệp thông minh, hỗ trợ giám sát sức khoẻ, quản lý và giám sát năng lượng.

Sinh viên sau khi học tại bộ môn có cơ hội làm việc tại các công ty kỹ thuật hàng đầu như: BOSCH Vietnam, FPT Software, Renesas, Sypnosys. Bên cạnh đó, bộ môn cũng có các mối liên kết với các trường đại học ở nước ngoài như Đại học Tohoku (Nhật Bản), Đại học Chung Tsing (Đài Loàn) để các chương trình gửi các sinh viên ưu tú tại bộ môn sang học tập và trải nghiệm môi trường nghiên cứu nước ngoài và tiền đề cho các chương trình học bổng sau đại học.

 

Bộ môn Vật lý Điện tử hoan nghênh và chào đón các bạn sinh viên Vật lý đam mê công nghệ, có mong muốn làm việc trong ngành thiết kế vi mạch, lập trình hệ thống nhúng và phát triển ứng dụng IoT. Hẹn gặp các bạn trong năm học sắp tới.

 

Trân trọng.