CỰC QUANG - DÃI LỤA HUYỀN ẢO

CỰC QUANG - DÃI LỤA HUYỀN ẢO

Chúng ta chắc hẳn ai cũng đã từng ít nhất một lần nhìn thấy những tấm hình chụp cực quang rực rỡ đầy màu sắc trên internet hay các phương tiện truyền thông. Thế nhưng đáng tiếc thay, những người ở vùng gần xích đạo như chúng ta thì gần như chẳng thể có dịp tận mắt nhìn thấy chúng, trừ khi chúng ta có đủ kinh phí và điều kiện, làm một chuyến du lịch thật xa về hai vùng cực xa xôi của Trái Đất thì may ra mới có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp kì vĩ mà huyền ảo này.

Vậy tại sao cực quang lại chỉ xảy ra ở hai cực mà không xảy ra ở nơi khác? Thiên nhiên lại là kẻ phân biệt vùng miền hay sao?

Để trả lời câu hỏi trên, ta cần nắm được nguyên nhân gây ra cực quang. Khi Mặt Trời hoạt động, nó không chỉ gửi đến Trái đất ánh sáng và nhiệt lượng. Gió Mặt Trời mang các hạt điện tích như electron, proton,... đến cả với các hành tinh. Khi các hạt này đến từ quyển của Trái Đất, chúng bắt đầu bị đổi hướng do tác dụng của lực Lorentz, chuyển động dọc theo các đường sức từ.

Kết quả là, các hạt mang điện theo đó đi sâu vào khí quyển của hành tinh tại hai cực. khi vào khí quyển, các hạt mang điện này va chạm với các phân tử khí như oxygen, nitrogen, phát ra ánh sáng với các bước sóng khác nhau.

Các hành tinh khác có cực quang hay không?

Câu trả lời là CÓ. Bất cứ hành tinh nào trong Hệ Mặt Trời có khí quyển và từ quyển thì đều có khả năng có cực quang ở hai cực. Điển hình ta hay gặp nhất là cực quang của Mộc tinh và Thổ tinh.

Tại sao màu sắc cực quang ở các hành tinh khác nhau lại khác nhau?

Mặc dù nguyên nhân cực quang đều xuất phát từ các hạt mang điện của Mặt Trời, song thành phần khí quyển của các hành tinh là khác nhau, cụ thể Trái Đất của chúng ta là oxygen và nitrogen, trong khi Mộc tinh và Thổ tinh lại là hydrogen và helium. Do đó bước sóng ánh sáng sinh ra khi các hạt này va đập với phân tử khí là khác nhau.