GIỚI THIỆU CÂU LẠC BỘ THIÊN VĂN USAC


GIỚI THIỆU CÂU LẠC BỘ THIÊN VĂN USAC KHOA VẬT LÝ – VẬT LÝ KỸ THUẬT

1. Giới thiệu USAC

CLB Thiên văn trường Đại Học Khoa Học Tự Nhiên, ĐHQG-HCM là Câu lạc bộ học thuật trực thuộc khoa Vật lý - Vật lý Kỹ thuật trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM và được biết đến với tên gọi là CLB Thiên văn USAC.

CLB là nơi giao lưu, học hỏi của tất cả các bạn đam mê thiên văn học trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, không phân biệt độ tuổi. Với tiêu chí “Lan tỏa Thiên văn học đến cộng đồng”, USAC luôn mong muốn được đồng hành với cộng đồng thiên văn học Việt Nam và một phần nào đó đưa mọi người đến gần hơn với thiên văn học, và đồng thời tự trang bị cho các thành viên (một số thành viên CLB có nguyện vọng nghiên cứu chuyên sâu vào lĩnh vực Vật lý Thiên văn) các kiến thức về thiên văn học cơ bản.

Thế mạnh của CLB:

  • Đầu tiên, CLB là nơi quy tụ những bạn sinh viên và học sinh có niềm đam mê Thiên Văn học thúc đẩy việc tạo nên một cộng đồng năng động và nhiệt huyết để cùng nhau tìm hiểu Thiên văn học.
  • Thứ hai, USAC là CLB trực thuộc khoa Vật lý - Vật lý Kỹ thuật nên USAC có được nguồn lực và sự hỗ trợ khoa học từ các thầy cô của Khoa VL-VLKT như TS. Đặng Hoài Trung (Phó trưởng khoa Vật lý - Vật lý Kỹ thuật - Cố vấn chính), ThS. Huỳnh Thanh Nhẫn (BM VLTH), TS Nguyễn Nhật Kim Ngân (BM VLĐC), ThS Nguyễn Ngọc Trường (BM VLĐC), ThS Nguyễn Duy Khánh (BM VLUD), cùng một số thầy cô khác. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động chuyên sâu, mời các chuyên gia đến chia sẻ kiến thức và tiếp cận với các thiết bị hiện đại.
  • Đồng thời vừa qua, CLB Thiên văn USAC đã tham gia hội nghị thành lập và trở thành thành viên chính thức của Mạng lưới Thiên văn Nghiệp Dư Việt Nam tạo nên điều kiện để CLB có thể giao lưu và tham gia những dự án phi lợi nhuận vì mong muốn lan tỏa Thiên Văn học tại Việt Nam cùng các CLB, tổ chức khác như Câu Lạc Bộ Vật Lý Thiên Văn, Câu Lạc Bộ Thiên Văn Học Đà Nẵng, ...

2. Các hoạt động chính của CLB Thiên văn USAC:

  • Quan sát thiên văn: Tổ chức các buổi quan sát bầu trời định kỳ vào các tối cuối tuần để quan sát Mặt Trăng, các hành tinh, sao hoặc các ngày có sự kiện thiên văn đặc biệt như mưa sao băng, giao hội, nhật thực,....
  • Cắm trại thiên văn: Tổ chức các chuyến đi cắm trại kết hợp quan sát thiên văn tại những địa điểm có ít ánh sáng đô thị để tạo điều kiện cho các thành viên có cơ hội quan sát thực tế và trao đổi về kiến thức thiên văn.
  • Tổ chức hội thảo khoa học: Mời các nhà thiên văn học, các nhà nghiên cứu đến chia sẻ kiến thức về các chủ đề thiên văn học hấp dẫn như hố đen, lịch pháp, …
  • Tổ chức các chuyên đề seminar: Các thành viên trong câu lạc bộ trình bày về các chủ đề thiên văn mà các bạn đang nghiên cứu hoặc quan tâm đến với cộng đồng như Kính Thiên Văn, Tiến Hóa Sao,...
  • Chế tạo kính thiên văn: Tự tay chế tạo kính thiên văn hoặc mô hình hệ mặt trời, giao thoa kế,.. để hiểu rõ hơn về nguyên lý hoạt động và nâng cao kỹ năng thực hành.
  • Hợp tác với các trường học: Tổ chức các buổi nói chuyện, quan sát thiên văn tại các trường học như trường THPT Trần Khai Nguyên, THPT Chuyên Thoại Ngọc Hầu - An Giang, Trường Phổ Thông Năng Khiếu ĐHQG-HCM,...
  • Tham gia các gian hàng khoa học: Trưng bày các sản phẩm, mô hình liên quan đến thiên văn học tại các chương trình khoa học.

3. Các hoạt động nổi bật của USAC gần đây

3.1. Ngày hội khoa học mở Khoa VL-VLKT 14/05/2023

Ngày hội Khoa Học Mở là ngày hội do CLB Thiên Văn USAC phối hợp với Khoa Vật lý - Vật lý Kỹ thuật tổ chức nhằm mang đến cho chúng ta những kiến thức mới mà còn là cơ hội để trao đổi, chia sẻ ý kiến và tìm hiểu về các lĩnh vực khoa học đa dạng. CLB Thiên văn USAC đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm từ các chuyên gia trong lĩnh vực, đồng thời cũng nhận được nhiều câu hỏi và ý kiến ​​thú vị từ phía khách mời và các bạn học sinh sinh viên

Nội dung ngày hội gồm 2 phần:

- Báo cáo chuyên đề:

+ Cơ sở Thiên văn học của lịch - Trình bày ThS. Phạm Vũ Lộc, nghiên cứu viên của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam VNSC.

+ Hố Đen huyền bí và cách tìm ra chúng - Trình bày bởi anh Ngô Ngọc Hải, thành viên nhóm nghiên cứu SWG3 ELT/HARMONI, ĐH Oxford.

+ James Webbs - Quỹ Đạo kính thiên văn trong không gian - Trình bày bởi anh Nguyễn Pha Lê nguyên chủ nhiệm kiêm cố vấn chuyên môn CLB Thiên Văn USAC.

+ Các phương pháp tìm kiếm ngoại hành tinh - Trình bày bởi anh Nguyễn Thành Vinh thành viên ban Nội dung CLB Thiên Văn USAC.

- Tham quan các gian hàng khoa học (CLB USAC, CLB NES, PTNK STEAM Club), và các phòng thí nghiệm của Khoa VL – VLKT.

Link ảnh: Ngày hội khoa học mở

3.2. Tuần lễ không gian Việt Nam - VIETNAM SPACE WEEK 2023

Tuần lễ không gian Việt Nam - VIETNAM SPACE WEEK hướng tới mục tiêu truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ về các câu chuyện của Phi hành gia trong môi trường làm việc và sinh hoạt trên không gian, vũ trụ; chia sẻ về những nghiên cứu khoa học làm sao bảo vệ trái đất, tránh ô nhiễm môi trường, cảnh báo rủi ro va chạm với các hành tinh khác, sự sống ngoài trái đất và người ngoài không gian,...; qua đó giáo dục hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp cho thế hệ trẻ; và tổ chức hoạt động giáo dục NASA STEM DAY cho thanh thiếu niên. Đến với ngày hội năm 2023 có sự góp mặt của:

  • Cựu đại úy Hải Quân Hoa Kỳ và cựu phi hành gia NASA : Mike Baker.
  • Bác sĩ gia đình của NASA Dr. Josef Schmid.

Đến với VIETNAM SPACE WEEK 2023, CLB Thiên văn USAC được mời và tham gia vào Ban Tổ Chức chương trình “Khám phá bầu trời đêm - Starry Night” nằm trong khuôn khổ của Tuần lễ. Đến với Tuần lễ, CLB Thiên Văn đã cử thành viên dày dạn kinh nghiệm tham gia bao gồm:

  • Anh Lê Nguyên Tuân - Cố vấn chuyên môn Ban Nội Dung CLB USAC.
  • Anh Phùng Xuân Lộc - Cố vấn chuyên môn Ban Kỹ Thuật CLB USAC.
  • Anh Đinh Đào Quốc Thịnh - Trưởng Ban Kỹ Thuật CLB USAC.
  • Anh Võ Nguyễn Nhật Minh - Nguyên trưởng Ban Hậu Cần, hiện là chủ nhiệm CLB USAC

 

Link ảnh: VSP

3.3. TalkShow Nghiên Cứu Thiên Văn Học 10/9/2023

Talkshow “Nghiên cứu thiên văn học” ngày 10/09 vừa qua có thể xem là một trong những sự kiện mang tính học thuật cao mà USAC hân hạnh được tổ chức. Đến với Talkshow Thiên Văn học các bạn đã được nghe những bài chuyên sâu bao gồm:

  • Quá trình nghiên cứu Thiên Văn học - trình bày bởi ThS. Nguyễn Minh Khang hiện đang là Nghiên Cứu sinh ngành Vật lý Thiên Văn tại Đại Học Liverpool John Moores, Anh.
  • Mô hình phương pháp phân tích phổ (SED) áp vào mô hình tính toán để nghiên cứu lịch sử hình thành sao (SFH) - Trình bày bởi TS. Nguyễn Đức Diệu đang là  Postdoc tại Đại Học Lyon - Pháp.
  • Khảo sát các Thiên Hà siêu Khối Lượng với Quang phổ kế Phân giải góc cao của Kính Thiên văn ELT - Trình bày bởi anh Ngô Ngọc Hải trưởng nhóm nghiên cứu ELT/HARMONI của Đại Học Oxford và nguyên là chủ nhiệm đầu tiên kiêm Cố vấn chuyên môn CLB Thiên văn USAC.
  • Mô hình Jeans trong Động lực học Thiên Hà - Trình bày bởi anh Lê Thông Quốc Tính, thành viên nhóm nghiên cứu ELT/HARMONI của Đại Học Oxford kiêm cố vấn chuyên môn ban Nội Dung CLB Thiên Văn USAC.
  • Hệ thống cụm sao cầu và sự hình thành thiên hà - Trình bày bởi anh Lê Nguyên Tuân cựu thành viên nhóm nghiên cứu ELT/HARMONI của Đại Học Oxford kiêm cố vấn chuyên môn ban Nội Dung CLB Thiên Văn USAC.
  • Phương pháp sử dụng quang phổ MUSE để tính toán khối lượng Hố Đen Trung tâm, quần thể sao và IMF của Thiên hà NGC 4303 - Trình bày bởi chị Nguyễn Khánh An, sinh viên trường Đại Học Quốc Tế, ĐHQG-HCM.
  • Thu thập, xử lý và tạo ảnh từ dữ liệu Đài Thiên Văn ALMA - Trình bày bởi chị Hồ Huy Ngọc Khuê, sinh viên trường Đại Học Quốc Tế, ĐHQG-HCM.

USAC rất hạnh phúc khi có thể thấy mọi người dành thời gian đến tham dự buổi talkshow cùng chúng mình và cho chúng mình những lời động viên, những góp ý vô cùng giá trị và có cơ hội kết nối với những chuyên gia để góp phần giải đáp những thắc mắc của mọi người về thiên văn. Đối với chúng mình, đó chính là những món quà, là những thành tựu sau bao cố gắng mang thiên văn đến gần hơn với tất cả mọi người.

Link ảnh: Talkshow 10_9

Cố vấn tổ chức: TS. Đặng Hoài Trung

3.4. Hoạt động thiết kế và chế tạo kính Thiên văn USAC-7

Với các thông số kỹ thuật đều khủng cũng như là một trong những thành phẩm có tốc độ hoàn thành nhanh nhất. USAC 7 là thành quả từ công sức, vật chất cũng như thời gian đã dành ra của tất cả thành viên CLB USAC trong vòng 2 tuần.

USAC-7 là tên gọi của kính thiên văn tự chế mới nhất của USAC, thuộc dòng phản xạ với gương parabol cỡ lớn D203mm tiêu cự F900mm, thân kính dài 1m làm bằng nhựa PVC, sử dụng chân đế xoay có thể điều chỉnh để thân kính có thể cân bằng. Kính với thông số D lớn như thế mang đến độ chi tiết, sắc nét cao hơn nhiều so với những dụng cụ quang học khác của CLB. 

Link ảnh: Kính USAC-7

3.5. Tham gia ngày hội STEM DAY và trao tặng kính cho Trường THPT Chuyên Thoại Ngọc Hầu, tỉnh An Giang

Sáng 14/1, tại Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) đã diễn ra Ngày hội Khoa học trái đất lần thứ 1, chủ đề “Khám phá bí mật của trái đất và vũ trụ”, do Khoa Vật lý- Vật lý kỹ thuật; Khoa Địa chất (Trường Đại học Khoa học tự nhiên) phối hợp Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu tổ chức.

Tại Ngày hội, USAC đã đồng hành cùng khoa Vật lý - Vật lý Kỹ Thuật trao tặng kính Thiên Văn do USAC thiết kế và chế tạo dựa trên sự tài trợ của Hội Đồng Hương tỉnh An Giang. Ngoài ra, tại ngày hội, các học sinh đã được trải nghiệm các hoạt động về vật lý, thiên văn và địa chất ngoài trời, sử dụng kính thiên văn quan sát vật thể ở xa, lắp ghép kính thiên văn, mô hình hệ mặt trời, giao thoa kế Michelson.

Nội dung chính:

- Báo cáo các kiến thức khoa học cơ bản và chuyên sâu về thiên văn học và địa chất (2 báo cáo về thiên văn và 1 báo cáo về địa chất).

+ Kính Thiên Văn: khi đôi mắt là chưa đủ - Trình bày bởi anh Trần Hồng Sơn, nguyên trưởng ban Nội dung kiêm cố vấn chuyên môn ban Nội Dung CLB USAC.

+ Hố đen - trình bày bởi anh Lê Nguyên Tuân nguyên trưởng ban Nội dung kiêm cố vấn chuyên môn ban Nội Dung CLB USAC.

- Gian hàng trưng bày các mô hình về thiên văn, kính thiên văn và địa chất của CLB USAC, Khoa VL-VLKT và Khoa Địa chất, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG-HCM.

- Hoạt động trải nghiệm xuyên suốt chương trình.

- Tặng kính thiên văn cho Trường THPT Chuyên Thoại Ngọc Hầu, An Giang.

- Tặng học bổng cho học sinh nghèo hiếu học.

Link ảnh: Chuyên Thoại Ngọc Hầu

3.6. SEMINAR Tiến hóa sao: Hành trình của những gã khổng lồ

Buổi Seminar Thiên văn học với chủ đề “Tiến Hóa Sao : Hành Trình của những gã khổng lồ”  ngày 5/5 vừa qua đã thu hút đông đảo các bạn học sinh, sinh viên và các phụ huynh đến tham gia. Sự kiện được lên kế hoạch tổ chức bởi các bạn thành viên CLB USAC kết hợp cùng Khoa Vật lý-Vật lý kỹ thuật.

Các thành viên của CLB đã dành thời gian công sức để tổ chức một buổi Seminar Thiên Văn Tiến hóa sao với mong muốn mang đến cái nhìn về hành trình của các ngôi sao một cách dễ hiểu nhất. Và thật vui khi biết rằng mọi người đều rất phấn khích với chủ đề này. Bên cạnh đó, CLB còn mở các gian hàng bên ngoài như gian hàng sách với các đầu sách khoa học chất lượng, gian hàng kính thiên văn và giao thoa kế để giới thiệu đến với mọi người

Link ảnh: Seminar 5_5

3.7. Tổ chức hoạt động quan sát Thiên Văn cộng đồng và tại các trường THPT trên địa bàn TP Hồ Chí Minh

Tổ chức các buổi quan sát Thiên văn cộng đồng tại Nhà Văn Hóa Sinh Viên tại khu Đô thị Đại Học Quốc Gia Thành Phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra CLB USAC còn phối hợp với các CLB bạn như CLB Ong Nghiên Cứu trường Đại Học Khoa Học Tự Nhiên, ĐHQG HCM hoặc là CLB Thiên văn Nghiệp dư Thành phố Hồ Chí Minh HAAC để tổ chức quan sát thiên văn thông qua những hoạt động như:

  • Trung thu lan tỏa phối hợp với CLB Ong Nghiên Cứu trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG HCM để quan sát cho các bạn học sinh vào dịp Trung Thu.
  • Hoạt động  quan sát cộng đồng - ngoại khóa ASTROPHYSICS cùng 400 học sinh và thầy cô giáo tại trường THPT Trần Khai Nguyên.
  • Hưởng ứng SỰ KIỆN “ObserveTheMoon” from IAU tại Công Viên Bến Bạch Đằng tối 21/10/2023 và CLB USAC nhận được giấy chứng nhận của NASA.

Link ảnh: Quan sát thiên văn cộng đồng

3.8. Tuần lễ Thiên Văn cộng đồng toàn quốc 2024

Trong khuôn khổ "Tuần lễ Thiên Văn cộng đồng toàn quốc 2024" được tổ chức tại Trung tâm Khám phá Khoa học và Đổi Mới Sáng Tạo Quy Nhơn, các CLB Thiên Văn và tổ chức Thiên Văn Nghiệp Dư trên cả nước đã thống nhất thành lập “Mạng lưới thiên văn nghiệp dư Việt Nam”.

Với sự có mặt của 8 CLB, Hội thiên văn nghiệp dư ở Việt Nam hiện nay, đã thống nhất trong thời gian sắp tới sẽ phối hợp hỗ trợ lẫn nhau thực hiện các dự án hướng tới cộng đồng, đặc biệt là hướng tới giới trẻ và các cộng đồng yếu thế như trẻ em vùng sâu vùng xa. Thống nhất cùng thành lập ra “Mạng lưới thiên văn nghiệp dư Việt Nam” để có tiếng nói chung các bộ khung chương trình và cách thức triển khai trong thời gian sắp tới.

Mạng lưới sẽ liên kết chặt chẽ với Hội Thiên Văn Vũ Trụ Việt Nam VAS, để được hỗ trợ từ các nhà thiên văn chuyên nghiệp trong việc triển khai các chương trình giao lưu khoa học, xây dựng kho kiến thức, giảng dạy thiên văn cho cộng đồng, phổ biến các chương trình học bổng cho thiên văn, vật lý thiên văn ở các cấp học.

Hội Nghị Thành Lập Mạng Lưới Thiên văn nghiệp dư Việt Nam 2024, được tổ chức vào ngày 20/7/2024, với hơn 90 thành viên tham gia đến từ các CLB, Hội, Nhóm bao gồm:

- CLB HAAC: CLB Thiên Văn Nghiệp Dư TP.HCM

- CLB HAS: Hội Thiên Văn Hà Nội

- CLB DAC: CLB Thiên Văn Đà Nẵng

- CLB USAC: CLB Thiên Văn Trường Đại Học KHTN, ĐHQG TP.HCM

- CLB VLTV: CLB Vật Lý Thiên Văn

- CLB YAC: CLB Thiên Văn Trường Đại Học Tây Nguyên

- NTO: CLB Thiên Văn Nha Trang

- BAC: CLB Thiên Văn Bình Định

Bên cạnh đó Hội Thiên Văn Vũ Trụ Việt Nam có PGS. TS. Phạm Ngọc Điệp và TS. Lê Ngọc Trẫm tham gia với tư cách khách mời và cùng thảo luận.

Trong Hội nghị này đoàn công tác của CLB Thiên Văn USAC do anh Võ Nguyễn Nhật Minh - Chủ Nhiệm CLB USAC làm trưởng đoàn và anh Quách Hải Đăng – thường trực ban Chủ Nhiệm CLB USAC làm phó đoàn đã tham gia thảo luận sôi nổi và kết nối với các CLB, Tổ chức Thiên Văn nghiệp dư và chuyên gia khác.

Cuối cùng USAC vô cùng vinh dự khi là một trong những thành viên sáng lập và tham gia mạng lưới, từ đó xây dựng cộng đồng Thiên Văn Việt Nam mạnh mẽ hơn.

Link ảnh: Tuần lễ Thiên Văn cộng đồng toàn quốc 2024

Ngoài các hoạt động trên, USAC vẫn thường xuyên tham gia các hoạt động ở các ngày hội khoa học (hợp tác với các cựu SV, các công ty và Khoa VL-VLKT), đón các đoàn học sinh tham quan, hướng nghiệp tại trường ĐH Khoa học Tự nhiên (đón học sinh Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền), tổ chức các buổi giới thiệu về thiên văn và hỗ trợ thành lập các CLB thiên văn cho học sinh trường Phổ thông Năng khiếu, ĐHQG-HCM, trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Long), THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định), trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu (An Giang), …

4. Định hướng phát triển

  • Mở rộng quy mô và phạm vi hoạt động: Tăng cường tổ chức các buổi quan sát thiên văn, giao lưu về thiên văn học đến các trường TH-THCS-THPT trên địa bàn thành phố.
  • Nâng cao chất lượng chuyên môn: Mời thêm nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực thiên văn học đến chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với các thành viên CLB.
  • Tăng cường kết nối: Hợp tác với CLB Thiên Văn trên cả nước đặc biệt là các CLB trong Mạng lưới Thiên văn Nghiệp dư Việt Nam để tổ chức chung các hoạt động cộng đồng phi lợi nhuận.
  • Đẩy mạnh nghiên cứu và chế tạo: Tiếp tục nghiên cứu và chế tạo các thiết bị thiên văn như kính thiên văn để nâng cao kỹ năng thực hành cho thành viên và phục vụ cho các buổi quan sát thiên văn ngày càng tốt hơn. Ngoài ra cũng định hướng để cho các bạn có nhu cầu nghiên cứu chuyên sâu về Vật lý Thiên Văn hoặc Khoa Học Vũ Trụ có thể thực hiện ước mơ của mình thông qua việc CLB sẽ làm cầu nối đế kết nối với các nhà khoa học, tổ chức Thiên văn Chuyên nghiệp sắp tới.