Tốc độ quay 24 giờ quanh trục của Trái Đất là một trong những đặc điểm khiến hành tinh của chúng ta thân thiện với sự sống, cho phép hầu hết mọi thứ trên Trái Đất giữ được nhiệt độ dễ chịu, thoải mái khi được hưởng ánh nắng từ Mặt Trời vào ban ngày và được "xả nhiệt" vào ban đêm.
Mỗi hành tinh có một tốc độ quay quanh trục riêng biệt. Sao Thủy nóng bỏng và gần Mặt trời nhất mất 59 ngày Trái Đất để quay hết một vòng quanh nó. Sao Kim thì phải mất đến 243 ngày - lâu hơn cả thời gian để nó quay quanh Mặt Trời. Thậm chí Sao Thiên Vương còn vừa quay vừa "nằm".
Vậy các bạn có bao giờ thắc mắc rằng TẠI SAO CÁC HÀNH TINH LẠI CÓ THỂ TỰ QUAY QUANH TRỤC KHÔNG ?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần biết Hệ Mặt Trời được hình thành như thế nào. Gần 5 tỷ năm trước, Hệ Mặt Trời của chúng ta là một đám mây bụi và khí khổng lồ (hay còn gọi là tinh vân). Dưới tác dụng của lực hấp dẫn và một vài yếu tố khác, đám mây này sụp đổ, san phẳng thành một cái đĩa khổng lồ và bắt đầu quay nhanh hơn, nhanh hơn, như cái cách mà một người trượt băng quay nhanh hơn khi co cánh tay vào người (Bảo toàn mômen động lượng). Lúc này Mặt Trời được hình thành ở trung tâm, phần khí và bụi còn lại hình thành nên các hành tinh, vệ tinh, thiên thạch và sao chổi,... Lý do tất cả các hành tinh quay quanh Mặt Trời trong cùng một mặt phẳng và cùng một hướng là vì chúng đều được hình thành từ cùng một đĩa này.
Trong quá trình hình thành các hành tinh, các khối vật chất va chạm liên tục và làm cho chúng tự quay tròn. Kết quả là quán tính của các hành tinh giữ cho chúng tự quay tròn trong hàng tỷ năm qua. Và chúng sẽ tiếp tục quay như thế cho đến khi va chạm với các vật thể khác trong tương lai.