Bàn về định cư ngoài không gian: Khả năng và kế hoạch [Phần 5 - Căn cứ Sao Hỏa]

Bàn về định cư ngoài không gian: Khả năng và kế hoạch [Phần 5 - Căn cứ Sao Hỏa]

Căn cứ Sao Hỏa

Với bản tính thích mở rộng và chiếm lĩnh lãnh thổ mới của loài người thì vùng đất bao la rộng lớn chưa từng được khai phá trên Sao Hoả thật hấp dẫn. Như đã nói ở trên, Sao Hoả có nhiều nét tương đồng và thích hợp cho loài người đặt chân tới: có hai Mặt Trăng để ngắm vào ban đêm, có bề mặt để đứng, nhiệt độ có ngưỡng chịu được, băng ở hai cực và mạch nước ngầm tồn tại sâu dưới lòng đất. Xây dựng một căn cứ trên Sao Hoả là một điều không hề viển vông, thậm chí có thể thực hiện được với công nghệ hiện tại, cải tạo Sao Hoả trở nên tốt hơn và biến nó thành ngôi nhà thứ hai của loài người.

(Kurzgesagt–In a Nutshell, 2018) Tuy nhiên, trước khi đạt được tới viễn cảnh tốt đẹp đó, chúng ta có nhiều mục tiêu cần phải thực hiện trước mắt: hoàn thành giai đoạn II của quá trình thuộc địa. Có thể thấy, từ thuở xa xưa của loài người tới nay, thuộc địa hoá một vùng đất, một lãnh thổ mới sẽ đều trải qua ba giai đoạn. Giai đoạn I, chúng ta tiến hành thám hiểm, thăm dò vùng đất mới đó thông qua sự tài trợ tiền bạc, công nghệ của các chính quốc, họ có thể cắm cờ đánh dấu lãnh thổ, thông báo vùng đất đã có người tìm thấy và đặt chân tới nhưng không ở lại vào lúc này. Giai đoạn II cần nhiều nguồn lực hơn vì chúng ta phải xây dựng các khu tiền đồn, định cư tạm thời, chuẩn bị cho việc sống lâu dài và khám phá thêm vùng đất mới này. Tuy nhiên vẫn còn phụ thuộc rất nhiều từ nhân lực, tài nguyên, công nghệ, tiền bạc từ chính quốc và bên ngoài, chưa kể khả năng định cư tại đây có thể thất bại từ nhiều nguyên nhân bởi vùng đất còn khá lạ lẫm và con người chưa thích ứng được (thường thấy bởi thời tiết, thiếu tài nguyên, thức ăn,…). May mắn hơn sẽ còn những người sống sót và định cư vĩnh viễn tại đây. Giai đoạn III – giai đoạn thăng hoa khi phát triển thành các khu dân cư ổn định,  diễn ra các hoạt động lao động, nông nghiệp, công nghiệp, giao thương hàng hoá, gửi tài nguyên khai thác được về chính quốc, có thể nói là giai đoạn con người tại đây có thể thích ứng hoàn toàn với vùng đất mới và sinh sống, khai thác tại đó, ít phụ thuộc từ chính quốc. Tựu trung những gì con người phải trải qua khi thuộc địa hoá Sao Hoả cũng gần tương tự như thực hiện trên Trái Đất, nhưng ở một mức độ cao hơn, cực kì tốn kém, khó khăn và nhiều nguy cơ hơn. Nhưng đây là một khoản đầu tư vô giá giống như xây dựng căn cứ trên Mặt Trăng nếu vượt qua Giai đoạn II này, Sao Hoả sẽ được chiếu sáng, trở thành trung tâm du hành liên hành tinh, xây dựng nền công nghiệp quỹ đạo và vũ trụ. Một điểm sáng khác, vì chưa từng ai khác sống trên Sao Hoả nên chúng ta không cần phải giết hàng triệu dân bản địa trong quá trình đô hộ này!

Sao Hoả dù thế nào vẫn thật sự khắc nhiệt, là một phiên bản Trái Đất lạnh hơn, phơi nhiễm phóng xạ liều cao và đầy chất độc hại, nội việc cơ bản là hít thở cũng không thể. Để vượt qua Giai đoạn II, chúng ta phải tính kế đối phó với những khó khăn trước mắt trên Sao Hoả và tìm cách thích ứng tạm thời với nó để có thể làm việc, nghiên cứu.

Hiện nay, loài người vẫn đang tiến hành các cuộc thăm dò bằng vệ tinh và xe tự hành trên Sao Hoả để có thể hiểu hơn về hành tinh trước khi thực sự đặt những bước chân đầu tiên nơi đây (Giai đoạn I). Chúng ta cần biết về bề mặt, cấu trúc, khí hậu, khí quyển, từ trường, vân vân và mây mây để phục vụ cho quyết định quan trọng đầu tiên: tìm nơi thích hợp để xây căn cứ. Nếu đáp xuống ở một nơi phù hợp thì công việc xây dựng tiền đồn sẽ thuận lợi hơn. Đó có thể là vị trí nào? Ta biết rằng khoảng 70% cơ thể là nước, và chúng ta có thể nhịn ăn lâu chứ không thể chịu khát quá 3 ngày. Vì vậy hiển nhiên ta phải tìm địa điểm càng gần nguồn nước có sẵn càng tốt. Với những dữ liệu hiện tại, khu vực bên dưới cực Bắc của Sao Hoả là thuận lợi nhất. Nguồn băng ở vùng cực và túi nước nằm sâu bề mặt tại đây là nguồn cung quan trọng cho chúng ta. Trên Trái Đất, khu vực này tương ứng với Canada và Châu Âu, trên Sao Hoả là đồng bằng Arcadia Planitia và thung lũng băng hà ở Deuteronilus Mensae. Đây là nơi cân bằng trong sự hiện diện của băng nước (cực) và ánh sáng, nhiệt độ (xích đạo), cùng độ cao phù hợp để các tàu chở những dụng cụ khổng lồ hạ cánh dễ dàng hơn trong bầu khí quyển mỏng manh thiếu sức cản của Sao Hoả (Mars Exploration Program and the Jet Propulsion Laboratory, 2021).

Giả sử ta đã hoàn thiện Giai đoạn I, tìm được chỗ làm căn cứ thích hợp và thiết lập căn cứ trên Mặt Trăng làm trung gian vận chuyển, Giai đoạn II chính thức bắt đầu, đón chờ những con người dũng cảm đặt chân lên Sao Hoả là những thách thức, trở ngại với cả thể chất lẫn tinh thần. Sau đây là những gì ta sẽ phải đối mặt, cùng các giải pháp cơ bản.

Thứ gì cũng cần có năng lượng để sống. Con người cũng cần năng lượng để tồn tại và làm việc. Nhưng Sao Hoả là vùng đất nghèo năng lượng, nghèo từ nhiệt năng Mặt Trời đến tài nguyên khoáng sản. Những cách tạo ra điện năng trên Trái Đất khó mà áp dụng trên Sao Hoả. Ban đầu năng lượng Mặt Trời có thể là một lựa chọn hay, nhưng khoảng cách từ Mặt Trời tới Sao Hoả xa hơn hẳn với Trái Đất khiến bức xạ Mặt Trời nơi đây chỉ còn bằng 40% so với bình thường. Thậm chí nguồn năng lượng ít ỏi này còn bị những cơn bão cát khổng lồ và dai dẳng bất chợt che lấp đi trong nhiều tháng. Tới đây rõ ràng năng lượng Mặt Trời không đáng tin cậy và không đủ, chỉ có tính chất hoàn cảnh. Năng lượng gió? Bầu khí quyển Sao Hoả mỏng tới mức chẳng có gió để sử dụng. Nước không đủ và không có sự luân chuyển để có thể phát điện. Năng lượng địa nhiệt bằng cách dùng nhiệt năng sâu từ lòng đất trên Trái Đất cũng bất khả thi do lòng đất trong Sao Hoả thì quá lạnh. Thậm chí nhiệt năng từ việc đốt cháy cũng không thể do bầu khí quyển mỏng manh và không có nhiều nhiên liệu. Tới đây, chỉ còn năng lượng hạt nhân là khả thi, nhưng khai thác nguyên tố Sao Hoả cũng không dễ dàng nên nó cần được vận chuyển đầy đủ từ Trái Đất, từ nhiên liệu tới lò phản ứng. Giải pháp này có thể cung cấp năng lượng trong vài năm cho tiền đồn (Kurzgesagt-In a Nutshell, 2019).

Bức xạ Mặt Trời tối đa trên Trái Đất là 1000 W/m2, trong khi trên Sao Hoả là 590 W/m2. Điều này giống như việc năng lượng Mặt Trời tối đa vào một buổi trưa hè trên Sao Hoả khi Mặt Trời đứng bóng chỉ tương đương lúc Mặt Trời gần lặn xuống đường chân trời, chiếu một góc 36o (First The Seed Foundation, 2016).

Nguồn năng lượng mà ta tạo ra được cũng vô ích nếu ta “ngủm” ngay khi đặt chân lên Sao Hoả vì không thở được. Áp suất khí quyển trên Trái Đất tại độ cao mực nước biển tiêu chuẩn là 101300 Pa trong khi trên Sao Hoả là 700Pa. Tức thấp hơn cả 1% trên Trái Đất (Ta có thể thử áp suất này trên Trái Đất bằng cách lên độ cao 45Km) (Mars Space Flight Facility, n.d.). Nếu phi hành gia không mặc bộ đồ điều áp thì toàn bộ dịch lỏng trong cơ thể lập tức sôi sùng sục do áp suất khí quyển Sao Hoả cách xa giới hạn Armstrong (6300 Pa) làm nhiệt độ sôi của nước chỉ còn bằng cơ thể người, dẫn tới mất ý thức và tử vong (as citied in "Armstrong limit," 2021). Hơn nữa khí quyển Sao Hoả có tới 95% là CO2. Rõ ràng phi hành gia cần đồ vũ trụ cung cấp dưỡng khí, nhưng không thể suốt ngày mặc như vậy. Đây chính là yếu tố quyết định tới cấu trúc, hình dạng căn cứ. Trong chỗ ở, ta cần mô phỏng lại bầu khí quyển thông thường ở Trái Đất bằng cách điều áp và cung cấp hỗn hợp Nitơ và Oxi (78% Nitơ và 21% Oxi như bình thường). Vấn để ở chỗ chênh lệch áp suất giữa bên trong và bên ngoài căn cứ có thể làm nổ tung tiền đồn nếu cấu trúc nơi ở dạng hình hộp hay có góc cạnh. Do đó, căn cứ phải có dạng hình ống hoặc tròn, căng mịn, trơn láng để chịu được chên lệch áp suất và khoang điều áp phải luôn kín, hoạt động trơn tru để tránh phi hành gia hoặc nổ tung hoặc chết ngạt.

Một cấu trúc căn cứ đơn giản dạng hình vòm cùng bộ phận điều áp (as citied in "Colonization of Mars," 2021)

Do từ quyển của Sao Hoả yếu hơn rất nhiều so với Trái Đất nên những ai sinh sống ở đây sẽ hấp thụ lượng bức xạ cao gấp 2.5 lần so với trên trạm ISS và gấp 50 lần so với Trái Đất ("Colonization of Mars," 2021). Hoạt động 3 năm trên Sao Hoả sẽ khiến mức độ phơi nhiễm bức xạ của các phi hành gia vượt qua mức tiêu chuẩn của NASA khi gia tăng nguy cơ khả năng ung thư thêm 5% (với giới hạn là 3%) (News Staff, 2013). Một cách hiệu quả để đối phó với chuyện này, các căn cứ sẽ được bao phủ bằng lớp băng CO2 tổng hợp được từ khí quyển, và lớp bụi bẩn dày cỡ 1m sẽ được phủ ngoài cùng. Cách này dù không bảo vệ được tuyệt đối nhưng có thể giúp phi hành gia sống sót ổn trong một thời gian dài phù hợp. Điểm trừ là việc bị bao phủ toàn bộ bởi băng đá và bụi bẩn sẽ khiến căn cứ không thể hứng ánh sáng từ bên ngoài, khiến từ bên trong trông nó như một đường ống tối tăm không cửa sổ không ánh sáng, còn từ bên ngoài thì như một lăng mộ cổ đại vậy (Kurzgesagt-In a Nutshell, 2019).

 

Hình mô phỏng từ trường bao quanh Trái Đất và Sao Hoả ngày nay. Từ trường Trái Đất được tạo từ cơ chế Dynamo có nguồn gốc từ lõi kim loại nóng chảy trong hành tinh, độ rộng bao phủ là toàn thế giới (trái). Ngược lại từ trường của Sao Hoả không bao phủ toàn bộ hành tinh mà chỉ phân bổ thành từng vùng địa phương nhỏ, do cơ chế Dynamo của Sao Hoả đã biến mất còn những vùng từ trường còn sót lại chỉ là tàn tích của vùng từ trường toàn hành tinh trước đây (phải) (NASA/GSFC, 2018).

Lượng bức xạ ion đo được trên bề mặt Sao Hoả từ thiết bị đo gắn trên xe tự hành Curiosity trong 300 ngày đầu tiên nó hạ cánh. Đỉnh của đồ thị gây ra bởi một đợt 'cơn bão proton' từ Mặt Trời. Các đáy giảm hình thành bởi vụ phóng khối lượng theo khối lượng đăng quăng giúp tăng thêm lớp bảo vệ từ tính của Sao Hoả. Trung bình bề mặt Sao Hoả hấp thụ một lượng 0.67 miliSieverts (News Staff, 2013).

Sinh sống 500 ngày trên Sao Hoả sẽ hấp thụ khoảng gần 1 Sievert. Đồ thị so sánh mức hấp thụ bức xạ theo các hoạt động (từ trái qua: phơi nhiễm hàng năm tại độ cao mực nước biển, phơi nhiễm bình quân ở Mỹ mỗi năm tính bởi mọi nguồn phát, chụp cắt lớp CT, mức giới hạn phơi nhiễm kiến nghị bởi Bộ năng lượng, 6 tháng trên ISS, 180 ngày đi lại giữa Sao Hoả và Trái Đất, 500 ngày trên Sao Hoả (News Staff, 2013).

(Kurzgesagt-In a Nutshell, 2019) Dù có căn cứ bảo vệ vững chắc như vậy, nhưng nó không thể làm điều tương tự đối với những ai ở bên ngoài. Chính vì thế các công việc cần thực hiện ở ngoài môi trường Sao Hoả sẽ phải được giao lại thông qua các xe tự hành và drone, trực thăng điều khiển từ xa thông qua những người điều khiển bên trong căn cứ. Vì thế ta cần phát triển các robot thêm bền bỉ và linh hoạt. Ingenuity – một chiếc trực thăng nhỏ hiện đang được thử nghiệm trong sứ mệnh MARS 2020 hiện tại – có thể là một khởi đầu cho quá trình này. Vì độ độc của môi trường đối với con người, cần phải giảm xuống tối thiểu nhu cầu phải ra bên ngoài đó. Tuy nhiên nếu cần thiết phải làm việc bên ngoài, bụi trên Sao Hoả ngay lập tức trở thành nguy hiểm tiềm tàng. Bụi trên Sao Hoả mịn hơn nhiều so với Trái Đất, nên có thể dễ dàng len lỏi vào những bộ mạch tinh vi của máy móc (do đó phải nâng cấp lớp che chắn của chúng kĩ lưỡng). Bụi Sao Hoả còn có đặc tính là rất khô, nên nó dễ dàng tích điện và bám vào mọi thứ, kể cả bộ đồ phi hành gia. Tới đây mọi chuyện trở nên tồi tệ ngay khi một phi hành gia làm việc bên ngoài trở vào trong căn cứ. Vì mịn nên nó dễ dàng thâm nhập vào phổi của con người và tệ hơn nó chứa nhiều muối Peclorat (ClO-4) rất độc, đặc biệt tới tuyến giáp ("Perchlorate," 2021). Nếu để phi hành gia tiếp xúc trực tiếp với loại bụi này khi cởi bỏ bộ đồ phi hành gia thì rất không nên. Ta có thể giải quyết chuyện này bằng cách gắn bộ đồ bảo hộ phi hành gia vào các lối ra vào, nhờ đó có thể cởi bỏ mà không đem bụi vào trong căn cứ.

Vấn đề năng lượng và đảm bảo an toàn cho con người đã được giải quyết, nhưng ta vẫn còn một nhu cầu thiết yếu khác: thức ăn. Đất ở Sao Hoả có tính kiềm cao và thiếu đi các chất cần thiết cho cây trồng phát triển. Ta có thể tiến hành cải tạo lại đất và dùng các chất thải làm phân bón nhưng nhìn chung hiệu quả không đảm bảo do đắt đỏ và đặc biệt là kéo dài quá lâu.

So sánh về tỷ lệ thành phần các vật chất có trong đất thuộc về Trái Đất (trái) và Sao Hoả (phải) (Tomatoesphere, n.d.).

(Tomatoesphere, n.d.) Thực tế thì trên lý thuyết ta có thể trồng được cây bằng đất của Sao Hoả, vì nó đã có đầy đủ các loại dinh dưỡng từ vi lượng tới đa lượng. Nhưng đủ loại không đồng nghĩa với đủ lượng, do đó ta cần phải bổ sung thêm phân bón để cung cấp đủ cả về lượng và loại cho cây trồng. Tuy nhiên trồng cây trên Sao Hoả thực tế còn phải đối mặt với nhiều trở ngại hơn. Như biểu đồ so sánh trên ta có thể thấy đất Trái Đất đã có sẵn một lượng lớn nước nguồn gốc từ ao hồ, không khí, tuần hoàn nước,… Và cây trồng cần nhiều nước để có thể sinh trưởng tốt. Tuy nhiên chỉ có 2% nước trong đất Sao Hoả, thậm chí đó chưa chắc là nước thể lỏng. Chưa kể những nguồn nước có sẵn trên Sao Hoả chắc chắn sẽ rất hiếm và mặn, không thể sử dụng ngay mà phải trải qua quá trình lọc rất tốn kém. Đất trên Trái Đất còn có thứ quan trọng nữa chính là vật chất hữu cơ và các sinh vật sống. Vi sinh vật đóng vai trò không thể thay thế khi nó giúp phân giải các chất hữu cơ trong đất thành các chất dinh dưỡng mà cây trồng sử dụng được, đặc biệt là vi khuẩn cố định đạm giúp chuyển đổi Nitơ tự do trong khí quyển thành các hợp chất Nitơ mà cây trồng có thể sử dụng được. Hiển nhiên, đây là những thứ mà không có sẵn trên Sao Hoả (hoặc cực kì hiếm) và sẽ rất phiền phức khi phải xử lý nhân tạo những công việc này. Chưa kể ta phải bảo vệ cây trồng khỏi các điều kiện thời tiết cực đoan khác trên Sao Hoả như nhiệt độ đóng băng vào ban đêm, bão cát, năng lượng Mặt Trời ít ỏi,…

Vì thế ta dùng một phương pháp khác mà cũng đã được sử dụng thành công trên Trái Đất, chính là thuỷ canh. Trồng các rau củ với thuỷ canh ta không cần phải sử dụng tới đất mà chỉ cần có nước và chất dinh dưỡng, lại phù hợp với nhiều loại cây trồng. Lượng nước dùng trong thuỷ canh ít hơn hẳn (Lê, 2018), đặc biệt có thể trồng ở bất cứ đâu và tốt hơn hết là trong căn cứ - nơi có đầy đủ những điều kiện sống nhân tạo phù hợp mà ta đã thiết lập. Chúng ta cũng có thể nuôi cá để làm thịt. Phương án này nhanh gọn và hiệu quả cao hơn hẳn, đồng thời cung cấp đầy đủ thực phẩm, đa dạng các món ăn cho những người làm việc mệt nhọc nơi đây.

Nhưng còn đó những rào cản và nguy cơ không thể giải quyết triệt để được tính tới nay. Đầu tiên, trọng lực trên Sao Hoả chỉ bằng 37% so với Trái Đất, và đây thật sự là nguy cơ cao đối với sức khoẻ lâu dài của phi hành gia vốn đã quen với lực hút bởi Trái Đất. Họ có thể đối mặt với các bệnh và triệu chứng như: teo cơ, loãng xương do không có sức nặng tác động tới những bộ phận này làm chúng dần thoái hoái đi, vấn đề về lưu thông máu và tim mạch,.. Để giảm bớt phần nào tác hại này, giống như các phi hành gia làm việc trên trạm ISS không trọng lực, họ phải tiến hành tập luyện thể dục với cường độ cao và thường xuyên để tạo áp lực lên cơ, xương và tim, làm giảm tốc độ thoái hoá của chúng (Magen, 2017). Trong tương lai, với sự tiến bộ của công nghệ, ta có thể xây dựng một căn cứ chuyển động xoay tròn đều để giả lập phần nào trọng lực. Cơ chế này hoạt động giống như cách các phi hành gia làm quen với lực-G (lực con người cảm thấy như trọng lực tác dụng lên cơ thể tăng lên khi có gia tốc cao, đặc biệt trong giai đoạn phóng tàu vũ trụ) bằng lồng tròn tập luyện xoay nhiều hướng với tốc độ cao.

Mô phỏng về một căn cứ kiểu mẫu tiềm năng trên Sao Hoả trong tương lai (as cited in "Colonization of Mars," 2021)

(Kurzgesagt-In a Nutshell, 2019) Một nguy cơ khác cần tinh tới chính là tâm lí của những người làm việc trên Sao Hoả. Sinh sống trong một môi trường độc hại, ngột ngạt, thiếu ánh sáng, gặp cùng một nhóm người trong thời gian dài và sinh hoạt theo một chu kỳ lặp lại, ít liên lạc với bên ngoài, đặc biệt luôn chịu áp lực về nguy cơ xảy ra sự cố muôn kiểu trong quá trình định cư Sao Hoả mà có thể giết chết họ bất cứ lúc nào. Những thứ này dễ dàng đánh sập tâm lí của con người. Giống như những công việc trong không gian chật hẹp và nhiều nguy hiểm khác (như trên ISS, trong tàu ngầm, hầm mỏ,…), cá nhân làm việc phải luôn được giám sát tâm lí để đảm bảo họ có thể chịu đựng lối sống kiểu như vậy trong thời gian dài. Quan trọng hơn, phải tiến hành thay đổi nhóm người làm việc định kỳ để nhóm cũ có thời gian hồi phục lại tinh thần.

Đây là viễn cảnh khả thi nhất nếu tiến hành xây dựng căn cứ trên Sao Hoả trong giai đoạn này. Cuộc xây dựng có thể cực kì tốn kém (có thể vượt khoản chi phí trong cả kỷ nguyên khám phá không gian từ trước tới nay), lâu dài, nguy hiểm nhưng nếu được cung cấp đầy đủ nguồn lực từ chính quốc (Trái Đất) gồm nhiên liệu phóng xạ, phụ tùng, nhân lực,.. thì ta chắc chắn có thể hoàn thành Giai đoạn II. Tuy nhiên đây cũng chính là điểm yếu chí mạng trong công cuộc xây dựng căn cứ Sao Hoả, là mối nguy hiểm lớn nhất. Chúng ta không thể thích phóng tàu từ Trái Đất tới Sao Hoả lúc nào cũng được theo ý muốn, khoảng thời gian duy nhất để đi lại giữa hai hành tinh chỉ được tạo ra với chu kỳ 2 năm một lần, tức lúc Sao Hoả và Trái Đất chuẩn bị vị trí xung đối. Nói cách khác, cánh cửa đi lại duy nhất giữa Trái Đất và Sao Hoả chỉ được mở ra một lần sau mỗi hai năm, và sẽ là thảm hoạ khi có tình huống khẩn cấp từ Sao Hoả, tín hiệu cầu cứu được gửi về Trái Đất. Ta không có cách nào khác là ngoài việc kiên nhẫn chờ đợi cánh cửa mở ra một lần nữa, và lúc đó có thể quá trễ khi nhóm cứu hộ tới nơi và thấy căn cứ trở thành một hầm mộ.

Dù muôn vàn trở ngại kể trên, nhưng biến Sao Hoả thành ngôi nhà thứ hai là một việc thật sự đáng mơ ước và cần thiết. Lợi ích thu được từ đó là xứng đáng và vô giá. Cho dù có nhiều trở ngại sinh ra thì chúng cũng chỉ để chờ đợi con người vượt qua bằng chính sức lực và trí tuệ của mình, và những thứ này loài người đều có. Thật may mắn khi chúng ta được sống và cổ vũ cho những sứ mệnh thật hấp dẫn và đáng mong chờ, và biết đâu ta sẽ sống đủ lâu để được trải nghiệm một đô thị trên Hành Tinh Đỏ ?!

- Lê Gia Thuỵ -

- Nguyễn Thế Hoàng -

-----

References

Armstrong limit. (2021, June 29). In Wikipedia. https://en.wikipedia.org/w/index.php?title=Armstrong_limit&oldid=1031092571

Choi, C. Q. (2010, June 22). Flashback: Water on Mars announced 10 years ago. Space.com. https://www.space.com/8642-flashback-water-mars-announced-10-years.html

Choi, C. Q. (2011, August 5). Mystery lines on Mars carved by water, study suggests. Space.com. https://www.space.com/12543-mars-mystery-slopes-salt-water.html

Choi, C. Q. (2015, September 10). Gigantic ice slab found on Mars just below the planet's surface. Space.com. https://www.space.com/30502-mars-giant-ice-sheet-discovery-mro.html

Colonization of Mars. (2021, July 21). In Wikipedia. https://en.wikipedia.org/w/index.php?title=Colonization_of_Mars&oldid=1034673375

European Space Agency. (2019, September 1). ESA science and technology. European Space Agency. https://sci.esa.int/web/juice/-/50068-science-objectives

First The Seed Foundation. (2016). Sunlight on Mars? - Is there enough light on Mars to grow tomatoes? https://www.firsttheseedfoundation.org/resource/tomatosphere/background/sunlight-mars-enough-light-mars-grow-tomatoes/

Howell, E. (2021, February 9). A brief history of Mars missions. Space.com. https://www.space.com/13558-historic-mars-missions.html

Kurzgesagt–In a Nutshell. (2018, September 16). How we could build a Moon base today? [Video]. Youtube. https://www.youtube.com/watch?v=NtQkz0aRDe8&ab_channel=Kurzgesagt%E2%80%93InaNutshell

Kurzgesagt-In a Nutshell. (2019, February 3). Building a Marbase is a horrible idea: Let's do it! [Video]. Youtube. https://www.youtube.com/watch?v=uqKGREZs6-w&ab_channel=Kurzgesagt%E2%80%93InaNutshell

Lê, M. (2018, 4 17). Trồng rau thủy canh và sự bảo tồn nguồn nước. Công ty cổ phần công nghệ LISADO Việt Nam: https://www.lisado.vn/thuy-canh-va-su-bao-ton-nguon-nuoc/

Magen, Iddo. (2017, February 27). The danger of zero gravity. The Davidson Institute of Science Education. https://davidson.weizmann.ac.il/en/online/sciencepanorama/dangers-zero-gravity

Mars Exploration Program and the Jet Propulsion Laboratory. (n.d -a). 1600s. NASA’s Science Mission Directorate. https://mars.nasa.gov/allaboutmars/mystique/history/1600/

Mars Exploration Program and the Jet Propulsion Laboratory. (2018, June 7). NASA finds ancient organic material, mysterious Methane on Mars. NASA’s Science Mission Directorate. https://mars.nasa.gov/news/8347/nasa-finds-ancient-organic-material-mysterious-methane-on-mars/

Mars Exploration Program and the Jet Propulsion Laboratory. (2021, February 8). Where should future astronauts land on Mars? Follow the water. NASA’s Science Mission Directorate. https://mars.nasa.gov/news/8851/where-should-future-astronauts-land-on-mars-follow-the-water/

Mars Exploration Program and the Jet Propulsion Laboratory. (n.d -b). Early times. NASA’s Science Mission Directorate. https://mars.nasa.gov/allaboutmars/mystique/history/early/

Mars Space Flight Facility. (không ngày tháng). Atmosphere. Arizona State University. https://marsed.asu.edu/mep/atmosphere/

Mustard, J. F., Adler, M., Allwood, A., Bass, D. S., Beaty, D. W., Bell, J. F., . . . Moore, C. (2013). Mars 2020 science definitiion team final report. NASA.

NASA/GSFC. (2018, July 26). Earth and Martian magnetic fields. National Aeronautics and Space Administration. https://www.nasa.gov/mission_pages/msl/multimedia/hassler02.html

NASA/JPL-Caltech. (2020, December 17). Mars 2020 Perseverance [Fact sheet]. National Aeronautics and Space Administration. https://mars.nasa.gov/resources/24886/mars-2020-perseverance-fact-sheet/

NASA/JPL-Caltech. (2021, January 21). Mars 2020 Perseverance Landing [Press release]. National Aeronautics and Space Administration. https://mars.nasa.gov/resources/25529/mars-2020-perseverance-landing-press-kit/

News Staff. (2013, Dec 19). Sci-News. Mars: First radiation measurements from planet’s surface. http://www.sci-news.com/space/science-mars-radiation-measurements-surface-01629.html

Northon, K. (2021, April 20). NASA's Intenuity Mars helicopter succeeds in historic first flight. National Aeronautics and Space Administration. nasa.gov/press-release/nasa-s-ingenuity-mars-helicopter-succeeds-in-historic-first-flight

Oswald, E. (2021, May 30). We’re going to the red planet! All the past, present, and future missions to Mars. digitaltrends. https://www.digitaltrends.com/cool-tech/future-mars-missions/

Perchlorate. (2021, July 6). In Wikipedia. https://en.wikipedia.org/w/index.php?title=Perchlorate&oldid=1032247822

Potter, S. (2021, April 23). NASA's Perseverance Mars rover extracts first oxygen from Red Planet. National Aeronautics and Space Administration. https://www.nasa.gov/press-release/nasa-s-perseverance-mars-rover-extracts-first-oxygen-from-red-planet

Redd, N. T. (2018, August 18). Water on Mars: Exploration & evidence. Space.com. https://www.space.com/17048-water-on-mars.html

Schneider, H. (2016). Ultimate explorer field guide: Night sky. Nhà xuất bản Kim Đồng.

Stephen, P. M. (2013). Astronomy for dummies (3rd ed.). John Wiley & Sons, Inc.

The Lucy team. (2020, December 3). Lucy: The first mission to the Trojan asteroids. National Aeronautics and Space Administration. https://www.nasa.gov/mission_pages/lucy/overview/index

Tomatoesphere. (n.d.). Soil on Mars. http://tomatosphere.letstalkscience.ca/Resources/library/ArticleId/5302/soil-on-mars.aspx

Wall, M. (2015, September 29). Salty water flows on Mars today, boosting odds for life. Space.com. https://www.space.com/30673-water-flows-on-mars-discovery.html