KHI THIÊN HÀ CÓ "VỆ TINH"

KHI THIÊN HÀ CÓ "VỆ TINH"

Có lẽ thứ lớn nhất, mà phần lớn chúng ta tin rằng, quay quanh quỹ đạo của một thiên hà khổng lồ là những ngôi sao (ví dụ như Mặt Trời quay quanh tâm của Dải Ngân Hà). Tuy nhiên, còn có một thứ lớn hơn nữa cũng đang đóng vai trò tương tự: đó chính là những thiên hà “con” khác! Hay các nhà khoa học gọi chúng với cái tên “thiên hà vệ tinh”.

--------------------------------

Một thiên hà vệ tinh, theo định nghĩa, là một thiên hà quay quanh một thiên hà khác lớn và sáng hơn - hay còn gọi là thiên hà mẹ - nhờ lực hấp dẫn. Về bản chất, các thiên hà này có cấu tạo tương tự thiên hà chủ (có các sao, hành tinh, tinh vân,...). Tương tự, các ngôi sao trong những thiên hà “con” này cũng đều quay quanh tâm thiên hà nhỏ của chúng.

--------------------------------

Từ thiên hà có thể nghe rất to lớn, tuy nhiên các bạn có biết rằng: Dải Ngân Hà của chúng ta có tới tận 50 thiên hà vệ tinh! Có lẽ qua đó chúng ta cũng có thể phần nào tưởng tượng ra độ vĩ đại bao trùm thiên hà mẹ của loài người. Quay lại chủ đề chính, trong số 50 người con này, đám mây Magellan lớn là thiên hà có khối lượng lớn nhất (khoảng bằng 1/100 lần so với Dải Ngân Hà). Không như thiên hà xoắn ốc của chúng ta, đám mây khổng lồ này không có một hình xoắn ốc hoàn chỉnh. Một vài nhà khoa học tin rằng lí do là bởi trọng lực Dải Ngân Hà cùng một số thiên hà khác đang “tranh giành” khiến nó có phần bị bóp méo.

--------------------------------

Khi nói về khoảng cách, có tới tận 2 thiên hà vệ tinh được cân nhắc cho vị trí “gần nhất”. Một thiên hà, với cái tên thiên hà lùn Sagittarius Spheroidal, nằm cách trung tâm Dải Ngân Hà 50,000 năm ánh sáng. Thiên hà con này quay quanh ở hai đầu trên và dưới đĩa Dải Ngân Hà, khiến nó trông như một chiếc nhẫn trên một đĩa quay lớn. Nhưng còn một “thiên hà”- thiên hà lùn Canis Major - thậm chí còn gần hơn thế (cách khoảng 25,000 năm ánh sáng)! Tuy nhiên, thiên hà vệ tinh này lại gần với hệ Mặt Trời của chúng ta hơn, tức phần rìa, thay vì trung tâm Dải Ngân Hà. Và chính vì Canis Major gần tới vậy, các nhà khoa học vẫn còn tranh cãi rằng liệu thiên hà vệ tinh này có phải một tập thể thiên hà lùn độc lập hay nó chính là một phần của Dải Ngân Hà. Tuy nhiên họ đều đồng ý rằng, sẽ có ngày Canis Major bị trọng lực to lớn của thiên hà mẹ kéo vào và trở thành một phần của Dải Ngân Hà sau này.

--------------------------------

Tất nhiên, các thiên hà vệ tinh không phải những tập thể duy nhất chịu tác động khó cưỡng của trọng lực từ Dải Ngân Hà. Ngoài ra, còn có những quần tinh hình cầu (globular clusters) cũng phải khuất phục trước thiên hà chủ. Và tương tự, Dải Ngân Hà cũng không phải thiên hà duy nhất có vệ tinh, mà còn rất nhiều thiên hà khổng lồ khác, điển hình như thiên hà Tiên Nữ, người hàng xóm thân cận của chúng ta, cũng có tới khoảng 13 thiên hà con vây quanh.

--------------------------------

Nguồn tham khảo:

[1] https://spaceplace.nasa.gov/satellite-galaxies/en/

[2] https://en.wikipedia.org/wiki/Satellite_galaxy

Nguyễn Minh Ánh

Ban Nội Dung CLB Thiên Văn USAC