Giới thiệu chuyên ngành Vật lý Tin học


Trong giai đoạn trước những năm 2000, nhận thấy nhu cầu nhân lực về định hướng phát triển phần mềm, công cụ đa nền tảng dựa trên ngôn ngữ lập trình ngày càng tiềm năng do sự thành lập, phát triển của các công ty tương ứng hình thành ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, những sinh viên kỹ thuật chỉ học về kỹ thuật và hiếm khi được tiếp cận tới lĩnh vực công nghệ thông tin. Sinh viên ngành công nghệ thông tin thì chỉ học về lập trình trên máy tính mà hiếm khi tiếp cận đến kỹ thuật. Từ đây, một ngành khoa học mang tính liên ngành, giao thoa giữa vật lý, điện tử và khoa học máy tính được hình thành chính là vật lý tin học.

Bộ môn Vật lý Tin học thuộc Khoa Vật lý - Vật lý Kỹ thuật, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM được thành lập vào năm 1998. Từ năm 1998 đến 2013, trưởng Bộ môn là thầy PGS. TS. Đặng Văn Liệt. Từ năm 2013 đến nay, Bộ môn hoạt động với sự lãnh đạo của thầy PGS. TS. Huỳnh Văn Tuấn. Đội ngũ giảng huấn bao gồm 3 phó giáo sư, 5 tiến sĩ, 7 thạc sĩ, 1 nghiên cứu sinh (không tính các giảng viên đang tu nghiệp tại nước ngoài). Sau 12 năm đào tạo, Bộ môn được Đại học Quốc gia TP.HCM cho phép đào tạo Cao học ngành Vật lý Kỹ thuật từ năm 2010. Đến năm 2022, Bộ môn mở ngành Tiến sĩ Vật lý kỹ thuật, hoàn thành sứ mạnh đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học.

Bộ môn gồm 3 phòng học với sức chứa từ 15 đến 50 sinh viên, 1 phòng máy tính phục vụ các tác vụ học tập thực hành, 1 phòng seminar chuyên đề. Để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, giảng dạy và học tập, Bộ môn trang bị 3 hệ thống server, 2 máy workstation phục vụ tính toán. Ngoài ra, để tạo động lực phát triển năng lực chuyên sâu của sinh viên, Bộ môn luôn hỗ trợ trang bị các thiết bị, linh kiện phù hợp với định hướng nghiên cứu. Môi trường học tập hiện đại, linh động với mục tiêu hướng đến sự phát triển toàn diện của sinh viên. Các cán bộ trẻ, cố vấn luôn theo sát tiến độ, hỗ trợ kịp thời và định hướng rõ ràng cho sinh viên trong suốt quá trình học tập. Hỗ trợ sinh viên tiếp cận kịp thời đến các nguồn tin học bổng, nghiên cứu khoa học, cơ hội việc làm. Các thế hệ sinh viên được gắn kết chặt chẽ thông qua các hoạt động truyền thống, trao đổi thông tin kiến thức định kỳ. Các kỹ năng mềm về giao tiếp, khả năng thuyết trình, trình bày văn bản, ngoại ngữ cũng được chú trọng trang bị, giúp sinh viên tự tin bước vào giai đoạn trải nghiệm thực tập thực tế. Thông qua các ngày hội việc làm, cũng như mối quan hệ hợp tác của Bộ môn, sinh viên có cơ hội thực tập, trải nghiệm môi trường làm việc chuyên nghiệp tại các công ty như Bosch, TMA, Gameloft, Renesas, Bản Viên, Ampere Computing, Thinktodo, Mitsuba, Nashtech, FPT, Intel, Faraday,… Phần lớn sinh viên được đánh giá tốt về kỹ năng, thái độ và chuyên môn trong quá trình thực tập, điều này được thể hiện qua số lượng sinh viên được các công ty đề xuất vị trí nhân viên chính thức tăng dần qua các năm.

Các hướng đào tạo của Bộ môn gồm điện tử ứng dụng, máy tính và khoa học tính toán. Sinh viên theo học sẽ được đào tào các kiến thức khoa học cơ bản, bản chất vật lý, điện tử, kiến trúc máy tính, thuật toán, cơ sở dữ liệu. Người học sẽ thực hiện công việc thiết kế, cài đặt những chương trình ứng dụng, các giải pháp phần mềm phù hợp với nhu cầu của công ty, sử dụng ngôn ngữ lập trình để thiết kế và xây dựng chương trình máy tính. Nghiên cứu, thiết kế các bo mạch phần cứng số đơn giản, mạch logic, phát triển, thử nghiệm và sản xuất các hệ thống máy tính và các thành phần vật lý khác nhau liên quan đến hệ thống máy tính. Người học có thể kiểm tra, phân tích, đánh giá các khía cạnh khác nhau của sản phẩm nhằm tìm kiếm, phát hiện lỗi, đảm bảo phần mềm chính xác, đáp ứng đúng và đủ yêu cầu đã đạt ra. Ngoài ra, sinh viên có thể trở thành người lập trình tạo ra các ứng dụng web có thể chạy được trên các trình duyệt website hoặc nhà phát triển phần mềm chuyên tạo ra trò chơi trên nhiều nền tảng máy tính hoặc điện thoại thông minh, sáng tạo ra các khía cạnh của trò chơi điện tử. Trở thành nhà phát triển mạng như xây dựng, phát triển và mở rộng mạng dữ liệu cũng là một trong định hướng việc làm mà sinh viên có thể theo đuổi. Bên cạnh đó, định hướng, khả năng học tập suốt đời cũng là kỹ năng mà Bộ môn trang bị cho sinh viên nhằm đảm bảo tính toàn vẹn đáp ứng nhu cầu công việc. Trung thực, đạo đức tốt là đức tính phải có của sinh viên tại Bô môn.

Sau khi ra hoàn thành chương trình học, sinh viên hoàn toàn có thể làm việc tại các vị trí như kỹ sư phần mềm (Software Engineer), phát triển phần mềm (Software Developer), kỹ sư phần cứng (Hardware Engineer), phát triển phần cứng (Hardware Developer), kỹ sư phát triển phần mềm nhúng, phát triển ứng dụng trò chơi, phát triển ứng dụng web, kiểm thử phần mềm. Sinh viên làm việc tại các công ty liên doanh, hoặc nước ngoài, trung tâm nghiên cứu và phát triển, hoặc giảng dạy tại các cơ sở giáo dục. Nhờ đặc thù có tính liên ngành nên sinh viên có thể làm việc ở các lĩnh vực liên quan đến kỹ thuật, vật lý, điện tử và khoa học máy tính. Kết hợp với học tập chuyên sâu sẽ giúp sinh viên có nhiều cơ hội phát triển bản thân cả trong và ngoài nước.

Các hướng nghiên cứu của Bộ môn như xử lý ảnh y khoa. Phân loại và nhận diện các tín hiệu điện não (EEG), điện cơ (EMG), điện tim (ECG). Kiểm soát tiếng ồn (ANC), tiếng vọng (AEC), nhiễu âm thanh. Thu thập dữ liệu, cảm biến, đo lường và điều khiển, hiển thị. Thiết kế vi mạch số và hệ thống nhúng. Các giải pháp xây dựng hệ thống thông minh, internet kết nối vạn vật (IoT). Mô phỏng và mô hình hóa. Trí tuệ nhân tạo, mạng nơ-ron, thuật toán học sâu, học máy. Trực quan hóa dữ liệu, dữ liệu lớn, khoa học dữ liệu. Lập trình trên điện thoại di động. Phát triển ứng dụng Web và mạng máy tính. Có thể kể đến các thành tựu khoa học đạt được như các bài báo khoa học được đăng trên các hội nghị quốc tế, tạp chí khoa học thuộc danh mục Scopus, ISI. Tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp. Đóng góp vào nguồn dữ liệu khoa học nghiên cứu của nước nhà, thúc đẩy sự phát triển khoa học, nâng tầm vị thế đơn vị trong nước và quốc tế.