Vừa qua, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG – HCM, Hội vi mạch bán dẫn TP HCM (HSIA) cùng công ty Synopsys Việt Nam tổ chức buổi hội thảo “Thực trạng và giải pháp trong đào tạo nhân lực và nghiên cứu triển khai lĩnh vực Vi mạch bán dẫn Việt Nam tầm nhìn 2045”. Buổi hội thảo đặc biệt nhận được sự quan tâm từ các đơn vị doanh nghiệp, các giáo sư trong ngành cũng như từ các bạn sinh viên.
Theo ThS. Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Vi mạch Bán dẫn Việt Nam, số lượng doanh nghiệp thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn khá nhiều, nhân lực tập trung chủ yếu tại TPHCM. Tổng số kỹ sư vi mạch bán dẫn ước tính là gần 9000. Số lượng đăng tuyển hằng năm tại các công ty thuộc lĩnh vực này khoảng: 400, dự báo tăng lên hơn 500 từ 2022. Vừa qua, tổng thống Joe Biden đã có chuyến thăm tại Việt Nam, Theo đó, Việt Nam và Hoa Kỳ tuyên bố khởi động các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, trong đó Chính phủ Hoa Kỳ sẽ cấp khoản tài trợ gieo mầm ban đầu trị giá 2 triệu USD. Đây là dấu hiệu cho thấy tiềm năng phát triển của lĩnh vực công nghệ bán dẫn tại Việt Nam trong các năm tiếp theo.
Theo GS. TS. Đặng Lương Mô - Chủ tịch Danh dự Hội công nghệ Vi mạch bán dẫn TPHCM, Thầy là người tiên phong trong giáo dục đào tạo vi mạch bán dẫn tại Việt Nam từ những năm 1971, là người đầu tiên kết nối với các chuyên gia nước ngoài hợp tác phát triển nghiên cứu và là người sáng lập hội vi mạch bán dẫn TPHCM. Theo Thầy Mô: “ Đây là thời điểm thiên thời địa lợi nhân hòa để có thể mở ra kỷ nguyên “vi mạch bán dẫn” tại Việt Nam”.
Về phía trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM, PGS.TS. Vũ Thị Hạnh Thu, giảng viên khoa Vật lý – Vật lý kỹ thuật đã có phần giới thiệu về các nhóm nghiên cứu cũng như các trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ cho việc nghiên cứu và đào tạo. Theo Cô Thu: “Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong việc nghiên cứu và giảng dạy trong lĩnh vực côngnghệ bán dẫn, Khoa Vật lý – Vật lý kỹ thuật hoàn toàn tự tin trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển các hướng nghiên cứu cho lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam phù hợp với định hướng chuyển đổi số của Chính phủ”. Ngoài ra, Cô còn thông tin về kế hoạch phát triển của Khoa những năm sắp tới, gồm có 3 nội dung chính:
- Xây dựng chương trình đào tạo ngành Công nghệ bán dẫn cho năm học mới
- Xây dựng Phòng thí nghiệm Phòng Thí nghiệm Công nghệ Bán dẫn và nano quang tử
- Tăng cường hợp tác, thu hút nhân lực trình độ cao tốt nghiệp từ nước ngoài đúng chuyên môn cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn.
Bên cạnh đơn vị đào tạo nhân lực, về phía doanh nghiệp, Anh Nguyễn Phúc Vinh, đại diện của Công ty Synopsys trình bày về các chương trình phục vụ việc đào tạo từ công ty như: cung cấp các phần mềm miễn phí với đầy đủ tính năng cho quá trình đào tạo kỹ sư tương lai; kết nối những bạn sinh viên giỏi tham gia vào các dự án thực tế; Synopsys cũng rất chú trọng tới nghiên cứu để phát triển bền vững. Công ty cũng có các chương trình đào tạo như: đào tạo tài năng, phần lớn các bạn vượt qua bài thi đẳng cấp quốc tế và nhận offer từ các công ty trước khi ra trường; chương trình đào tạo kỹ sư làm việc tại Đài Loan với mức lương cao; chương trình đào tạo cho giảng viên trong 6 tuần. Anh Vinh cũng nhấn mạnh về tình trạng thiếu nguồn nhân lực cho ngành công nghệ vi mạch bán dẫn trong tương lai.
Ngoài ra, tại buổi hội thảo, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM còn ký kết ghi nhớ hợp tác với hai đơn vị là Viện Công nghệ Nano ĐHQG-HCM và Công ty Synopsys Việt Nam.
Một số hình ảnh buổi hội thảo: