Vào sáng ngày 15/7, Khoa Vật lý – Vật lý kỹ thuật, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM đã tổ chức buổi seminar khoa học với sự tham gia của diễn giả khách mời – PGS.TS. Nguyễn Phạm Trung Hiếu. Chương trình thu hút sự quan tâm đông đảo từ đội ngũ giảng viên, học viên cao học và sinh viên trong khoa.
Với chủ đề “III-Nitride Nanowire Light-Emitting Diodes: Materials, Device Fabrication and Applications”, buổi seminar mang đến những cập nhật chuyên sâu về nghiên cứu và ứng dụng tiên tiến trong lĩnh vực vật liệu bán dẫn dải rộng và siêu rộng, đặc biệt là các cấu trúc dây nano III-nitride. Các kết quả nghiên cứu được trình bày mở ra nhiều triển vọng mới cho việc phát triển các thiết bị quang điện tử hiệu suất cao như đèn LED, laser, cảm biến quang, pin mặt trời – với ứng dụng rộng rãi trong chiếu sáng, hiển thị toàn màu và lĩnh vực y sinh.
Một điểm nhấn nổi bật của buổi trình bày là kỹ thuật mọc tinh thể bằng chùm phân tử (Molecular Beam Epitaxy – MBE) trong chế tạo LED dây nano phát xạ đa sắc, bao phủ gần như toàn bộ phổ khả kiến. Đặc biệt, nghiên cứu hướng tới phát triển LED trắng không cần sử dụng phosphor, mang lại chỉ số hoàn màu cao và hiệu quả phát quang vượt trội – là hướng đi tiềm năng trong công nghệ chiếu sáng thế hệ mới.
PGS.TS. Nguyễn Phạm Trung Hiếu là cựu sinh viên ngành Vật lý học (chuyên ngành Vật lý Tin học), khóa 2001 của Khoa Vật lý – Vật lý kỹ thuật. Hiện ông là Phó Giáo sư ngành Kỹ thuật Điện tại Đại học Texas Tech (Hoa Kỳ) và là Giám đốc Phòng thí nghiệm Vật liệu Bán dẫn Dải rộng và Siêu rộng (Wide/Ultrawide Bandgap Semiconductors Laboratory).
Ông nhận bằng Tiến sĩ Kỹ thuật Điện tại Đại học McGill (Canada) vào năm 2012. Hướng nghiên cứu của ông tập trung vào thiết kế, mọc epitaxy, chế tạo và phân tích đặc trưng sâu các vật liệu bán dẫn dải rộng và siêu rộng, phục vụ cho việc phát triển các thiết bị điện tử và quang điện tử hiệu suất cao như đi-ốt phát quang (LED), laser, cảm biến quang, pin mặt trời, transistor và bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên điện trở (RRAM).
PGS.TS. Hiếu đã công bố 3 bằng sáng chế Hoa Kỳ, 2 sách biên tập, 9 chương sách, khoảng 130 bài báo khoa học có bình duyệt và hơn 150 bài trình bày tại các hội nghị quốc tế. Công trình của ông được trích dẫn hơn 5.000 lần, với chỉ số h-index đạt 33 – minh chứng cho ảnh hưởng đáng kể trong cộng đồng nghiên cứu quốc tế về vật liệu và thiết bị bán dẫn.
Trong khuôn khổ chương trình Giáo sư thỉnh giảng của ĐHQG-HCM năm 2025, PGS.TS. Nguyễn Phạm Trung Hiếu cũng bày tỏ mong muốn đồng hành cùng Khoa Vật lý – Vật lý kỹ thuật trong các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực vi mạch và công nghệ nano bán dẫn.