Seminar khoa học với TS. Nguyễn Tuấn Hưng – Gắn kết nghiên cứu tiên tiến và đào tạo tại Khoa Vật lý – Vật lý kỹ thuật

Seminar khoa học với TS. Nguyễn Tuấn Hưng – Gắn kết nghiên cứu tiên tiến và đào tạo tại Khoa Vật lý – Vật lý kỹ thuật

Trong khuôn khổ Chương trình Giáo sư Thỉnh giảng tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh năm 2025, chiều ngày 07/07 vừa qua, Khoa Vật lý – Vật lý kỹ thuật, Trường Đại học Khoa học tự nhiên đã tổ chức buổi seminar khoa học với sự tham gia của đông đảo giảng viên, học viên và sinh viên trong khoa.

Buổi seminar với chủ đề Photonics in 2D Materials and Applications do Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Hưng trình bày, tập trung giới thiệu các nghiên cứu mới nhất về hiện tượng phi tuyến – cụ thể là cộng hưởng bội hai (Second-Harmonic Generation, SHG) trong vật liệu hai chiều (2D). Các nội dung chính bao gồm phân tích cơ chế vật lý, cùng các phương pháp tối ưu hóa hiệu ứng SHG thông qua kỹ thuật chồng lớp và kiểm soát ứng suất biến dạng trong cấu trúc vật liệu.

Không chỉ dừng lại ở lý thuyết, seminar còn mở rộng trao đổi về những hướng nghiên cứu hiện đại mà TS. Nguyễn Tuấn Hưng đang theo đuổi, như mô phỏng vật liệu bằng các phương pháp tính toán tiên tiến, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong nghiên cứu chất bán dẫn, và phát triển các vật liệu phục vụ cho công nghệ năng lượng sạch.

Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Hưng hiện là Trợ lý Giáo sư – Nghiên cứu viên chính tại Viện Nghiên cứu Liên ngành Khoa học Vật liệu Tiên tiến (FRIS), Đại học Tohoku, Nhật Bản; đồng thời là Giáo sư thỉnh giảng tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Hoa Kỳ. Từ tháng 6/2025, TS. Hưng chính thức tham gia Chương trình Giáo sư Thỉnh giảng tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM. Là một nhà khoa học trẻ giàu tiềm năng, ông đã công bố 67 bài báo quốc tế và sở hữu nhiều công trình nghiên cứu được đánh giá cao trong lĩnh vực vật liệu và quang tử học.

Buổi seminar không chỉ mang đến những kiến thức chuyên sâu cập nhật, mà còn tạo cầu nối giữa hoạt động nghiên cứu khoa học hiện đại với công tác đào tạo tại Khoa Vật lý – Vật lý kỹ thuật. Đây là một trong những nỗ lực của khoa trong việc thúc đẩy giao lưu học thuật quốc tế, nâng cao chất lượng đào tạo và mở rộng cơ hội tiếp cận các xu hướng nghiên cứu tiên tiến cho đội ngũ giảng viên, học viên và sinh viên.