CHIA SẺ CỦA TIẾN SĨ ĐẶNG VĂN TỎ VỀ VẬT LÝ LÝ THUYẾT
Hơn 42 năm trước, khi còn là học sinh trung học, tôi rất thích học toán và vật lý cũng như tìm hiểu qui luật vận hành của vũ trụ, ý nghĩa cuộc sống, và khám phá kỹ thuật. Mặc dù được các thầy cô thông báo về giải Nobel vật lý năm 1978 dành cho việc “Khám phá bức xạ nền vi sóng vũ trụ (cosmic microwave background radiation)”, tôi lúc ấy hoàn toàn không có ý niệm gì về bức xạ tàn dư của vũ trụ có được từ vụ nổ lớn (Big Bang) cách nay hơn 13.8 tỉ năm ánh sáng.
Đầu tháng 10 năm 2020, giải Nobel vật lý đã trao cho các khoa học gia có khám phá về “Nền tảng lý thuyết của lỗ đen từ thuyết tương đối và vật thể cô đặc siêu trọng tại tâm của thiên hà (the theoretical foundation of black hole formation from the general theory of relativity and the discovery of a supermassive compact object at the centre of our galaxy)”. Đây là một đóng góp nổi bật vì nó đã đưa nhân loại tiếp cận đến biên giới của tri thức (frontier of knowledge) về sự hiểu biết của vũ trụ. Người ta sẽ không thể hiểu được sự tiến hóa của vũ trụ từ vụ nổ lớn đến lỗ đen nếu họ không được trang bị kiến thức nền tảng từ vật lý lý thuyết. Một chuyên ngành lấy toán học và máy tính làm công cụ nghiên cứu, dùng số liệu thực nghiệm để kiểm chứng mô hình, nhằm khám phá chân trời tri thức với những gì con người có thể nghĩ đến.
Về mặt công nghệ, cuộc sống con người ngày nay khá hiện đại và khác xa với những gì có được từ 50 năm trước. Không ai có thể nghĩ rằng chúng ta có thể vừa trò chuyện, vừa thấy mặt nhau khi cách xa hơn nửa vòng trái đất. Không ai có thể nghĩ rằng chúng ta có thể trao đổi thư tín gần như tức thời. Tất cả điều đó là nhờ vào Internet và browser, các sản phẩm phụ của vật lý. Vật lý hiện đại với hai trụ cột, cơ học lượng tử và thuyết tương đối, có được từ vật lý lý thuyết đã cho chúng ta nhiều phương tiện và thiết bị mà chúng ta không thể nào nghĩ đến trong những thế kỷ trước như thiết bị định vị toàn cầu (GPS), laser, bán dẫn, siêu dẫn, y học xạ trị, TV, MRI, điện thoại thông minh, IoT và vô vàn thứ khác.
Vật lý lý thuyết không những cho phép chúng ta nghiên cứu thế giới tự nhiên của vũ trụ vô cùng lớn, mà nó còn giúp chúng ta truy tìm nguồn gốc vật chất từ các hạt cơ bản trong thế giới thế giới vô cùng nhỏ. Người ta sẽ không nắm bắt được sự thay đổi của công nghệ cũng như thay đổi của cuộc sống trong tương lai 50-100 năm sau nếu kiến thức vật lý hiện đại, đặc biết là vật lý lý thuyết, không được phổ cập ở các trường trung học.
Các Kỳ tích Kinh tế châu Á (Asia Economic Miracle) trước đây như Nhật Bản (1945-1991), Hàn Quốc (1961-1997), Taiwan (1950-2000) và Trung Quốc ngày nay (2010-) đều có mối tương quan trực tiếp giữa đầu tư nghiên cứu khoa học cơ bản và khoa học công nghệ để giải quyết các vấn để phát triển của đất nước. Ở đó nghiên cứu khoa học cơ bản không thể tách rời nghiên cứu vật lý lý thuyết.
Bộ môn Vật lý Lý thuyết của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh là một bộ môn được hình thành đầu tiên và lâu đời ở phía Nam sau 1945. Nó là một trung tâm nghiên cứu vật lý lý thuyết với nhiều giáo sư, tiến sĩ giỏi về chuyên môn và sáng tạo về ý tưởng. Nó là một nơi, không gì thích hợp hơn, để dành cho những ai yêu thích vật lý, yêu thích vẽ đẹp của toán học trong vật lý, yêu thích khám phá thế giới tự nhiên một cách giản dị qua cây bút và tờ giấy, yêu thích các thí nghiệm tưởng tượng (thought experiments) không tốn kém và lãng mạn, yêu thích vũ trụ bao la nhiều màu sắc và yêu thích nguồn gốc con người và sự sống đầy bí ẩn, muốn tìm đến để học hỏi và trao đổi.
Mùa Thu, 2020
Los Angeles, California
Đặng Văn Tỏ, Ph.D.
Chuyên gia về Kỹ thuật Ven bờ
Đại học bang California
=====================================================================================================
CHIA SẺ CỦA CÁC NHÀ KHOA HỌC
=====
Nhà khoa học |
Chia sẻ |
GS. TS. Hoàng Ngọc Long Chuyên gia hàng đầu lĩnh vực Lý thuyết trường-Hạt cơ bản tại VN Viện Vật lý Hà nội |
Bộ môn có đội ngũ nghiên cứu rất tốt, các bài giảng rất chuyên sâu và thời sự. Học viên của Bộ môn được đào tạo ở trình độ cao, khi ra trường sẽ phát huy được kiến thức và thúc đẩy khoa học. Theo tôi, đây là nơi đào tạo Vật lý Lý thuyết tốt nhất của Việt nam. Về trang web: rất ấn tượng, người theo dõi rât thích thú và dễ dàng thu được thông tin. Rất mong trang web hoạt động thường xuyên, update tin tức thì sẽ thu hút bạn đọc. |
|
|
TS. Lê Đức Ninh Nghiên cứu Lý thuyết trường-Hạt cơ bản Viện IFIRSE, Trung Tâm ICISE, Quy Nhơn, Bình Định
|
Sau vài năm hướng dẫn khóa luận cho sinh viên nhóm VLLT, tôi thấy sinh viên ở đây đam mê khoa học, có nền tảng kiến thức khá tốt, có tham vọng bay xa hơn và cao hơn trên con đường khám phá khoa học. |
TS. Nguyễn Thị Kim Ngân Nghiên cứu Lý thuyết trường-Hạt cơ bản Cựu sinh viên VLLT khóa 1997 Giảng viên Bộ môn Vật lý, Khoa Khoa học Tự Nhiên, Đại học Cần thơ |
Sau khi tốt nghiệp THPT, tôi đã quyết định chọn thi vào trường đại học KHTN TPHCM. Tôi thấy đây là quyết định đúng đắn của mình. Nhờ vào môi trường học tập tốt cùng với sự truyền đạt kiến thức tận tình từ các thầy cô tại đây, sau khi tốt nghiệp tôi đã có nền tảng kiến thức vững vàng để tiếp tục quá trình học tập và nghiên cứu nâng cao trình độ từ đó có được một công việc tốt như hiện nay. Tôi luôn tự hào mình từng là sinh viên của bộ môn VL LT, trường ĐH.KHTN TPHCM. |
TS. Nguyễn Duy Vỹ Nghiên cứu lý thuyết các phép đo siêu nhạy bằng hệ quang-cơ học Giảng Viên/Nghiên cứu viên ĐH TĐT
|
Là cựu sinh viên của Khoa Vật lý KHTN-HCM khóa 2003-2007 và sau đó theo chương trình Thạc sĩ của Trường từ 2007-2010, tôi đã được nhà trường và các thầy cô Khoa Vật lý, bộ môn Vật lý Lý thuyết đào tạo để có một nền tảng kiến thức khoa học cơ bản và công nghệ rất vững chắc, bằng một trái tim vô tư và hết lòng vì kiến thức và sự tiến bộ của sinh viên. Nhờ đó tôi đã có thể bước tiếp và tiến bộ nhiều trên con đường tri thức, cuộc sống của mình. Cơ hội học bổng Tiến sĩ có được khi học Thạc sĩ thực sự là một cánh cửa đáng mơ ước của tôi năm đó và đã giúp tôi có được một nghề nghiệp vững chắc hiện tại, chính là làm một nghiên cứu viên/giảng viên của 1 trong các đại học ở Tp. HCM. Nhờ sự gắn kết hiệu quả của các thầy cô trong Bộ Môn và Khoa Vật lý, mà các đồng nghiệp của tôi và tôi có nhiều cơ hội để cùng làm việc, hợp tác với các thầy cô của Trường, cũng như tương tác công việc, trao đổi học thuật, hoặc hướng dẫn các bạn sinh viên Đại học, học viên cao học. Và một điều vô cùng khích lệ là các bạn sinh viên, học viên cao học của Bộ môn, Khoa Lý những năm gần đây cũng đã rất năng động trong việc tìm tòi kiến thức, học hỏi và tương tác cùng với các thầy cô, các nhà nghiên cứu trong và cả ngoài Khoa, ngoài trường. Nhờ đó tiến bộ rõ rệt và có được các hướng đi tốt cho bản thân, như du học, khởi nghiệp, làm việc trong các Trường đại học với thu nhập tốt. Xin chào đón các bạn và các đồng nghiệp đồng hành cùng chúng tôi trên con đường tìm kiếm tri thức, Vật lý, và công nghệ nhiều cơ hội rộng mở này. |
|
|
TS. Nguyễn Văn Khỏe Nghiên cứu các tính chất vận chuyển của các hệ thấp chiều Postdoctoral Research Associate tại Research Center for Applied Science, Academia Sinica, Taiwan. |
Mình may mắn học Vật lý Lý thuyết cả bậc cử nhân và thạc sỹ tại Bộ môn. Quý thầy, cô đã kiên nhẫn đưa mình từ chổ không biết gì đến biết chút chút và từ chổ biết chút chút đến biết nhiều hơn. Chính Bộ môn đã kích thích sự tò mò vô tận của mình về thế giới Vật lý của các hệ cô đặc (Condensed Matter Physics) nên mình đã quyết định theo đuổi hướng nghiên cứu đó trong các vật liệu thấp chiều như graphene, transition metal dichalcogenide monolayers (TMDs hay TMDCs), và các cấu trúc lai giữa chúng (their heterostructures) cho luận án tiến sỹ của mình. Hiện giờ mình đang tìm hiểu về pha kim loại lạ (strange metals). Pha này xuất hiện trong các giản đồ pha nhiệt độ T – áp suất p như trong vật liệu sắt từ CeRh6Ge4, nhiệt độ T – nồng độ hạt tải n như trong các chất siêu dẫn cuprates, nhiệt độ T – nồng độ hạt tải n (hay số lấp đầy) như trong graphene lớp kép ở góc quay nhỏ (magic-angle twisted bilayer graphene). Mặc dù các tranh luận về nguồn gốc của pha này đã bắt đầu từ 1980s (thậm chí gần đây đã dùng đến các khái niệm lý thuyết dây, lỗ đen), cho đến nay vẫn chưa có một lý thuyết nền tảng nào làm thỏa mãn cộng đồng khoa học. |
TS. Lê Văn Sáng Nghiên cứu trong lĩnh vực Vật lý Nano và mô phỏng Nghiên cứu sau tiến sĩ tại Graduate School of Simulation Studies, University of Hyogo, Kobe, Japan |
Nếu bạn yêu thích khoa học-Vật Lý, chuyên ngành Vật Lý Lý Thuyết (VLLT) có thể là một lựa chọn phù hợp với bạn vì VLLT cung cấp tốt những kiến thức khoa học cơ bản và giải thích chi tiết những hiện tượng tự nhiên. Thêm nữa, sau khi ra trường, bạn có thể dễ dàng làm việc trong những nhánh khoa học khác như Hóa học, Biophysics, Cơ học, … Một số người bạn cùng khóa học VLLT với tôi (2002) đang làm trong những nhánh này. |
TS. Nguyễn Phương Duy Anh Nghiên cứu lĩnh vực tương tác vật chất và ánh sáng Giảng viên Vật Lý, Khoa Công nghệ thực phẩm, trường Đại học Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương |
Các thầy ở bộ môn rất nhiệt tình, tận tình chỉ dẫn học viên. Mọi người rất tốt và thân thiện. VLLT phát triển khả năng phân tích giải quyết các bài toán về mô phỏng, áp dụng kiến thức chuyên môn để phân tích và giải quyết một vấn đề cụ thể. |
NCS Lê Đại Nam Nghiên cứu Vật lý Nguyên tử, Phân tử-Quang học Nghiên Cứu viên ĐH TĐT |
Tôi là Lê Đại Nam, hiện đang là Nghiên cứu sinh ngành Vật lý lý thuyết và Vật lý toán khóa 2015 dưới sự hướng dẫn của TSKH. Lê Văn Hoàng (Giáo sư, ĐH Sư Phạm TP. Hồ Chí Minh). Hiện nay, tôi đang là Nghiên cứu viên tại Viện Tiên tiến Khoa học Vật liệu, Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Hướng nghiên cứu chính của tôi là về lĩnh vực Vật lý toán. Trong quá trình theo học Nghiên cứu sinh ở Bộ môn Vật lý lý thuyết, tôi được theo học bổ sung lại toàn bộ chương trình Cao học khóa 2016 của Bộ môn. Đó có lẽ là một trong những điều may mắn nhất với bản thân tôi vì những lý do sau. Đầu tiên, theo quan điểm của cá nhân tôi, đối với bất kỳ lĩnh vực nào của Vật lý hay liên quan đến Vật lý như Khoa học Vật liệu, Hóa lượng tử, Vật lý sinh học tính toán, v.v.v đều đòi hỏi chúng ta phải có những kiến thức, những lý thuyết nền tảng. Và tuyệt với thay khi các bạn có thể được học tập, được tiếp thu những nền tảng cơ bản đó ở chính căn phòng B38 của Bộ môn Vật lý lý thuyết. Với bản thân tôi, những kiến thức học được ở tại phòng B38 giúp ích rất nhiều cho sự nghiệp làm nghiên cứu còn khiêm tốn của bản thân. Những nền tảng mà các thầy đã trang bị giúp tôi dễ dàng tiếp cận những nghiên cứu mới nhất, tiên tiến nhất mà không phải bỡ ngỡ. Bên cạnh đó, ngoài việc cung cấp cho sinh viên, học viên những nền tảng cơ bản về Vật lý, những môn học ở Bộ môn Vật lý lý thuyết còn tạo điều kiện để các bạn sinh viên, học viên trau dồi các kỹ năng mềm: ngoại ngữ, thu thập tài liệu, xử lý thông tin, lập trình, viết luận, thuyết trình, v.v.v. Đó là những kỹ năng tối thiểu mà một con người với tấm bằng Đại học, Thạc sĩ cần phải có trong một xã hội phát triển nhanh và năng động như hiện nay. Cuối cùng và cũng là quan trọng nhất đối với bản thân tôi, được học tập dưới sự hướng dẫn của các nhà khoa học đầy tâm huyết ở Bộ môn đã khơi gợi cho tôi sự tò mò, say mê tìm hiểu những điều mới lạ, là điều đã giữ chân tôi với nghề làm nghiên cứu cho đến bây giờ. Hy vọng Bộ môn Vật lý lý thuyết càng ngày càng phát triển, tiếp tục chắp cánh cho các thế hệ sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh trong nhiều năm tới. |
TS. Đặng Khánh Linh Nghiên cứu Lý thuyết hệ thấp chiều: các tính chất vận chuyển, tương quan nhiều hạt trong các cấu trúc lớp. GV tại Khoa Vật Lý - Trường Đại học Sư Phạm Tp HCM. |
VLLT là một phân ngành độc đáo của Vật lý. Trong phân ngành này, chúng ta có cơ hội tiếp cận những nội dung trong Vật lý cổ điển và hiện đại ( lượng tử, hấp dẫn ) trong cả chiều rộng và chiều sâu. Từ đó, chúng ta có thể tiếp cận nhiều hướng nghiên cứu khác nhau của Vật lý: Lý thuyết trường - hạt cơ bản, vũ trụ học, lý thuyết chất rắn, vật lý y sinh, vật lý kinh tế, ... .
|
TS. Ngô Sơn Tùng Cựu sinh viên VLLT khóa 2002 Cựu học viên cao học VLLT khóa 2008 Nghiên cứu lĩnh vực Hoá Lý, Cuộn protein, Mô hình hoá, Thiết kế thuốc bằng máy tính. Trưởng phòng Thí nghiệm Vật lý Sinh học Lý thuyết và Tính toán tại Đại học Tôn Đức Thắng |
Vật lý lý thuyết làm nền tảng cho hầu hết các nghiên cứu hiện đại trong các ngành Khoa học Vật lý. Những giảng viên tuyệt vời của bộ môn VLLT luôn tràn đầy năng lượng trong các hoạt động nghiên cứu khoa học với các công bố trên các tạp chí hàng đầu (top 1% journal – natureindex). Nhờ đó, các sinh viên được bộ môn đào tạo có một nền tảng kiến thức vững chắc và tư duy logic xuất sắc. |