Theo quyết định số 822/QĐ-ĐHQG ngày 19/7/2022, ĐHQG TP.HCM giao Trường Đại học Khoa học Tự nhiên tổ chức đào tạo thí điểm trình độ đại học ngành “Công nghệ vật lý điện tử và tin học”. Mục tiêu chung của chương trình là trang bị cho sinh viên các kiến thức liên ngành Vật lý, Điện tử và Khoa học máy, các kĩ năng thực hành cần thiết để sinh viên có thể áp dụng vào thực tiễn giải quyết các bài toán khoa học kỹ thuật liên ngành, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của CMCN 4.0, sáng tạo khởi nghiệp và hội nhập quốc tế. Sinh viên sẽ được trang bị đầy đủ các kiến thức nền tảng và chuyên sâu của liên ngành Vật lý, Điện tử và Tin học trong những năm học đầu. Năm học cuối, tùy theo năng lực và sở thích, sinh viên có thể lựa chọn các hướng chuyên ngành khác nhau để có đủ năng lực giải quyết các bài toán khoa học kỹ thuật đặc thù.
- Tên ngành đào tạo: Công nghệ vật lý điện tử và tin học
- Chỉ tiêu tuyển sinh: 50
- Tuyển sinh chung ngành Vật lý học (mã ngành: 7440102), sau khi trúng tuyển vào ngành Vật lý học của trường ĐH KHTN và hoàn tất thủ tục nhập học, Khoa sẽ thông báo xét tuyển vào ngành Công nghệ vật lý điện tử và tin học (mã ngành 7440107).
-
Phương thức tuyển sinh (riêng năm 2022): xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT cấp quốc gia. Nếu thí sinh đã trúng tuyển vào ngành Vật lý học bằng các phương thức đánh giá năng lực thì vẫn có cơ hội xét tuyển vào ngành Công nghệ vật lý điện tử và tin học
-
Tổ hợp môn xét tuyển:
- Tổ hợp 1 (Khối A00 -Toán học, Vật lý, Hóa học)
- Tổ hợp 2 (Khối A01 - Toán học, Vật lý, Tiếng Anh)
- Tổ hợp 3 (Khối D90 – Toán học, Khoa học tự nhiên, Tiếng Anh)
Sinh viên trong giờ học thực hành tại Khoa Vật lý - Vật lý kỹ thuật
Công nghệ Vật lý Điện tử và Tin học là ngành khoa học liên ngành kết hợp giữa Vật lý, điện tử và khoa học máy tính. Người học được đào tạo các kiến thức về khoa học cơ bản, Vật lý, điện tử, các phần mềm, các thuật toán máy tính, … để ứng dụng vào việc chế tạo linh kiện điện tử bán dẫn, thiết kế hệ thống điện tử ứng dụng, phát triển các phần mềm ứng dụng và khoa học tính toán trên máy tính thông qua các cơ chế kết nối, vận hành và truyền thông dữ liệu. Cử nhân ngành Công nghệ Vật lý Điện tử và Tin học có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực liên quan đến Vật lý, điện tử và máy tính. Người học có thể làm việc trong các lĩnh vực công nghệ chế tạo linh kiện, vật liệu bán dẫn, từ các việc thiết kế các hệ thống đơn lẻ cho đến việc tích hợp các hệ thống trong nhiều ứng dụng đo lường và xử lý tín hiệu, lập trình các hệ thống nhúng. Người học cũng có thể phát triển các phần mềm, các ứng dụng về website; hoặc xây dựng các ứng dụng trên điện thoại di động cho các hệ thống điều khiển, các ứng dụng về internet kết nối vạn vật (IoT), phát triển ứng dụng tích hợp các thuật toán máy học và trí tuệ nhân tạo, hoặc phát triển các ứng dụng về khoa học tính toán liên ngành. Các hướng chính bao gồm:
- Công nghệ chế tạo linh kiện điện tử bán dẫn: công nghệ chế tạo màng mỏng và vật liệu nano điện tử; công nghệ vật liệu chuyển hóa năng lượng; quang điện tử bán dẫn (Photonics); công nghệ chế tạo cảm biến; các phương pháp, kỹ thuật phân tích vật liệu nano điện tử.
- Công nghệ điện tử ứng dụng: kỹ thuật đo lường và kiểm tra các vật liệu bán dẫn; điện tử y sinh; thiết kế vi mạch điện tử bán dẫn; công nghệ vi cơ điện tử (MEMS); các ứng dụng đo lường và điều khiển liên ngành như: công nghệ kỹ thuật robot và điều khiển, kỹ thuật tự động hóa; các thiết bị ứng dụng phục vụ cho các ngành Hóa, Sinh, nông nghiệp công nghệ cao, …
- Công nghệ máy tính và khoa học tính toán: mô hình hóa và mô phỏng, tối ưu hệ thống; phát triển các phần mềm ứng dụng, phát triển app trên điện thoại di động, công nghệ thiết kế website; phát triển các ứng dụng về hệ thống nhúng, hệ thống Internet kết nối vạn vật (IoTs); mô phỏng tính toán các thông số của các đối tượng vật lý, vật liệu; các thuật toán máy tính về mạng nơron, máy học, trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu cho các đối tượng liên ngành.
Cơ hội nghề nghiệp
Sau khi tốt nghiệp, người học có thể đảm nhiệm các công việc tại các vị trí công tác sau:
- Làm việc tại các công ty đa quốc gia về lĩnh vực chế tạo bán dẫn, điện tử, tin học như Intel, Robert Bosch, Samsung, FPT, Viettel, VNPT, Mitsuba, Ryomo, Renesas, Sony, Olympus, Arrive Technologies, On Semiconductor, Ascenx Technologies, Bureau Veritas, ...
- Giảng dạy đại học, sau đại học tại các trường đại học, các viện nghiên cứu trong nước và quốc tế.
- Làm việc và nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm, các cơ sở nghiên cứu Quốc gia, trung tâm khoa học vật liệu, các trung tâm phân tích dữ liệu, ... của các trường Đại học, các viện nghiên cứu.
- Làm quản lý ở các Bộ, Sở/ban ngành liên quan đến Khoa học & Công nghệ.
- Tiếp tục học các chương trình sau đại học tại các nước phát triển.
- Tự tích luỹ kinh nghiệm để khởi nghiệp
Thông tin chi tiết về ngành đào tạo: https://phys.hcmus.edu.vn/nganh-hoc/cong-nghe-vat-ly-dien-tu-va-tin-hoc
Website Khoa Vật lý - Vật lý kỹ thuật: https://phys.hcmus.edu.vn/