GIỚI THIỆU CHUYÊN NGÀNH VẬT LÝ CHẤT RẮN


Bộ môn Vật Lý Chất Rắn ra đời vào năm 1980, sau khi tách khỏi bộ môn Điện Tử - Chất Rắn và trở thành một phần của Khoa Vật Lý – Vật Lý Kỹ Thuật, thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia HCM. Bộ môn hiện có hai chương trình đào tạo chính là Cử nhân và Tiến sĩ. Trưởng Bộ môn đầu tiên là Thầy Phạm Doãn Hân (1980-1984), Thầy Quang Hán Khang (1984-1988), Thầy Trương Quang Nghĩa (1990-2008), và từ 2008 đến hiện tại là Thầy Trần Quang Trung.\

Hình 1. Các Thầy Cô đã/đang làm việc tại BM VLCR (từ trái qua phải): Thầy Trần Văn Chơn, Thầy Quan Hán Khang, Thầy Trần Quang Trung, Cô Vũ Thị Phát Minh, Thầy Trần Minh Sơn và Thầy Trương Quang Nghĩa.

 

Với đội ngũ cán bộ giàu kinh nghiệm, tận tâm và sáng tạo, Bộ môn Vật Lý Chất Rắn đã đạt được thành công trong việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Cụ thể, nhiều sách giáo trình và sách chuyên khảo đã được xuất bản để phục vụ cho công tác giảng dạy và nghiên cứu của các sinh viên cũng như cho các học viên cao học và nghiên cứu sinh thuộc chuyên ngành Vật lý chất rắn hoặc các chuyên ngành về Khoa học vật liệu.

Một số sách hiện có tại bộ môn là Tinh thể học đại cương (1979, PGS. TS. Quang Hán Khang), Vật lý học Đại cương (2000, PGS.TS. Trương Quang Nghĩa), Nhiệt phát quang (2010, PGS.TS. Trương Quang Nghĩa), Vật lý Chất rắn (2012, GS.TS.Lê Khắc Bình và PGS.TS. Nguyễn Nhật Khanh), Tính chất Vật lý của tinh thể (2012, PGS.TS. Trương Quang Nghĩa), Bài tập và bài giải môn Tính chất Vật lý của tinh thể (2020, PGS.TS. Trương Quang Nghĩa), Lập trình Labview (2023, PGS.TS. Trương Quang Nghĩa và PGS.TS. Trần Quang Trung). Ngoài ra, một số giáo trình nội bộ cũng được các Thầy Cô trong bộ môn chuẩn bị cho các sinh viên đang theo học, như Giáo trình Linh kiện bán dẫn (PGS.TS. Trần Quang Trung), Giáo trình Tinh thể học đại cương (Th.S Vũ Thị Phát Minh), Giáo trình Vật lý siêu âm (PGS.TS. Trương Quang Nghĩa). Bên cạnh đó, bộ môn cũng thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học ở nhiều cấp độ khác nhau và đăng nhiều bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học uy tín trong và ngoài nước.

Hình 2. Một số sách của các Thầy Cô bộ môn VLCR.

Trong suốt hơn 40 năm hoạt động, Bộ môn Vật Lý Chất Rắn đã đào tạo ra nhiều Cử nhân, Thạc sĩ và Tiến sĩ với kiến thức vững chắc, đóng góp tích cực vào sự phát triển của xã hội. Nhiều cựu sinh viên đã trở thành những chuyên gia chủ chốt tại các trường đại học, viện nghiên cứu và các cơ sở sản xuất. Bộ môn cũng tiếp tục phát triển các nhóm nghiên cứu với nhiều hướng nghiên cứu mang ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Trong số đó, chú trọng đến ba hướng nghiên cứu chính, thứ nhất là Chế tạo vật liệu vật liệu mới, vật liệu nano, bán dẫn 0D, 1D, 2D, 3D bằng phương pháp PVD, CVD và phương pháp hóa học. Thứ hai là chế tạo các linh kiện bán dẫn như LEDs, OLEDs, MOSFET, pin mặt trời và cảm biến nhạy khí. Hướng thứ ba là tự động hóa trong chế tạo và đo đạc mẫu. Đặc biệt, bộ môn đã đóng góp lớn trong việc xây dựng và nâng cấp các hệ thống máy móc phục vụ cho quá trình chế tạo mẫu, thiết bị đo đạc và phân tích kết quả, nhằm nâng cao chất lượng trong nghiên cứu và đào tạo. Một ví dụ cụ thể là bộ môn đã dẫn đầu trong việc chế tạo vật liệu 2D như graphene và phosphorene, cũng như xây dựng các phương pháp đo khí nhạy, VOCs tại ĐH.KHTN.

Hình 3. Một số thiết bị tại bộ môn VLCR: (hàng trên từ trái qua phải) hệ tạo màng VO2, hệ tạo tinh thể phospho đen, hệ glove box; (hàng nhì từ trái qua phải) hệ PECVD, hệ bốc bay, hệ đo nhạy khí.

Hình 4. Một số hình ảnh của một số vật liệu được chế tạo tại BM VLCR.

 

Bộ môn luôn tìm cách cải tiến và đổi mới để nâng cao chất lượng và tối ưu hóa quy trình đào tạo. Ngoài các môn học bắt buộc, bộ môn cũng cung cấp nhiều môn tự chọn để sinh viên có thể lựa chọn phù hợp với khả năng và yêu cầu công việc trong tương lai.

Về hợp tác, Bộ môn cũng thiết lập các mối quan hệ hợp tác với các Khoa, Viện Khoa học trong và ngoài nước để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu. Một số đối tác cụ thể bao gồm Khoa Vật lý kỹ thuật của Trường Cao đẳng Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Vật liệu thuộc Viện Khoa học Việt Nam, Khoa Vật lý của ĐH Moncton ở Canada, Nanolab - ĐH Công nghệ Séc tại Praha ở Cộng hòa Séc, Khoa Vật lý của ĐH Latrobe ở Melbourne, Úc, Khoa Vật lý của ĐH Tohoku ở Sendai và Đại học Osaka ở Osaka, Nhật Bản, Khoa học Vật liệu của ĐH Pusan và Đại học Ulsan ở Hàn Quốc.

Hình 5. Một số hoạt động tại bộ môn VLCR.

Về cơ hội việc làm, sinh viên và nghiên cứu sinh tốt nghiệp của Bộ môn sẽ có kiến thức chuyên môn đầy đủ và các kỹ năng mềm cần thiết. Họ có thể đảm nhận các công việc chuyên môn trong các công ty, tổ chức quốc tế liên quan, viện nghiên cứu, hoặc giảng dạy tại các trường đại học và cao đẳng. Một số công ty mà sinh viên tốt nghiệp có thể xin vào làm việc bao gồm Công ty ii-iv, Công ty E-silicon, Công ty Olympus, Công ty Renassa, Công ty First Solar, Công ty Intel Marvel và nhiều công ty khác. Ngoài ra, các sinh viên cũng có cơ hội đi du học tại các nước có liên quan đến bộ môn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Úc, Mỹ, Pháp và Cộng hòa Séc.

Hình 6. Các cán bộ hiện tại ở BM VLCR.

Bộ môn Vật lý Chất rắn rất hoan nghênh chào đón các bạn đến học tập, nghiên cứu và làm việc tại Bộ môn.