Giới thiệu chung

  • Mã trường: QST

  • Mã ngành: 7520402

  • Chỉ tiêu năm 2025: 50

  • Phương thức xét tuyển: theo quy định của trường

  • Kết quả phương thức xét tuyển theo các năm:

Năm

Điểm Đánh giá năng lực

Điểm thi TN THPT

2021

650

19

2022

620

17

2023

700

17

2024

735

23.6

  •  Tổ hợp môn xét tuyển: Toán – Vật lý – Hóa học, Toán – Vật lý – Tiếng Anh, Toán – Vật lý – Ngữ văn, Toán – Vật lý – Lịch sử, Toán – Vật lý – Địa lý,  Toán – Vật lý – GDKTPL, Toán – Vật lý – Công nghệ công nghiệp, Toán – Vật lý – Công nghệ nông nghiệp, Toán – Vật lý – Tin học, Toán – Vật lý – Sinh học

  • Ngành Kỹ thuật hạt nhân được thành lập năm 2011.  

  • Ngành Kỹ thuật hạt nhân tập trung đào tạo về các ứng dụng của vật lý hạt nhân trong các lĩnh vực của đời sống như: năng lượng, sản xuất, công nghiệp, môi trường, giảng dạy và nghiên cứu khoa học,… Sau khi tốt nghiệp đại học ngành Kỹ thuật hạt nhân, sinh viên sẽ trở thành những cử nhân khoa học có đầy đủ kiến thức nền tảng và khả năng tư duy – phân tích khoa học để có thể gia nhập thị trường lao động ở các vị trí đòi hỏi chuyên môn về vật lý hạt nhân và phóng xạ.

  • Hiện nay, kỹ thuật hạt nhân đã được ứng dụng rộng rãi trong rất nhiều ngành nghề: nhà máy điện hạt nhân, chiếu xạ thực phẩm, khử trùng y tế, biến tính vật liệu polymer, khảo sát đánh giá môi trường và địa chất ứng dụng trong nông nghiệp và khai thác mỏ, kiểm tra không phá hủy ứng dụng trong công nghiệp, chẩn đoán hình ảnh trong y tế, lập kế hoạch xạ trị hỗ trợ trong điều trị ung thư tại các bệnh viện,… Với khả năng ứng dụng đa dạng, ngành Kỹ thuật hạt nhân mở ra cơ hội việc làm phong phú cho người học sau khi tốt nghiệp. Ngoài ra, sinh viên sau khi hoàn thành chương trình đại học có thể tiếp tục học tập, nghiên cứu ở chương trình sau đại học và tham gia các dự án nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm chuyên sâu ở nước  ngoài.

  • Ngành Kỹ thuật hạt nhân bao gồm 2 chuyên ngành:

- Chuyên ngành Năng lượng và điện hạt nhân: Nghiên cứu ứng dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích sản xuất điện năng, tính toán mô phỏng các quá trình vật lý xảy ra trong lò phản ứng và hệ thống nhà máy điện hạt nhân, đảm bảo an toàn thiết kế và vận hành lò phản ứng, nghiên cứu các công nghệ lò phản ứng và chu trình nhiên liệu hạt nhân, quản lý chất thải hạt nhân.

- Chuyên ngành Kỹ thuật hạt nhân: Nghiên cứu lý thuyết, thực nghiệm và mô phỏng về hạt nhân như cấu trúc và phản ứng hạt nhân, các ứng dụng của kĩ thuật hạt nhân trong công nghiệp, nông nghiệp, sinh học, môi trường thủy văn, phân tích và đo đạc.

Chuẩn đầu ra

I. Mục tiêu chung

Chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật hạt nhân đào tạo những Cử nhân trong các lĩnh vực hạt nhân có khả năng nghiên cứu và vận dụng kiến thức trong lĩnh vực năng lượng và phi năng lượng, có khả năng nghiên cứu và vận dụng kiến thức vật lý trong khoa học và đời sống, có hoài bão phục vụ đất nước và có kỹ năng sống.

II. Mục tiêu cụ thể

Sinh viên tốt nghiệp, có kiến thức, kỹ năng và năng lực :

1. Kiến thức:

- Hiểu biết, nắm bắt và vận dụng các kiến thức cơ bản về khoa học tự nhiên, kinh tế, chính trị, xã hội.

- Nắm vững và vận dụng những kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực Kỹ thuật hạt nhân về một trong những chuyên ngành như năng lượng và điện hạt nhân, kỹ thuật hạt nhân và vật lý y khoa

2. Kỹ năng nghề nghiệp

- Trang bị kỹ năng nghiên cứu khoa học, thực hành để vận dụng vào sản xuất và đời sống.

- Trang bị kỹ năng lập trình và sử dụng các phần mềm máy tính thông dụng.

- Trang bị các kỹ năng làm việc và học tập độc lập, chủ động, sáng tạo,

- Bồi dưỡng tác phong chuyên nghiệp, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp.

3. Kỹ năng giao tiếp

- Trang bị các kỹ năng làm việc và học tập theo nhóm.

- Có kỹ năng giao tiếp và phát triển các mối quan hệ xã hội.

- Có khả năng sử dụng tiếng Anh trong công viêc và giao tiếp.

4. Năng lực

- Có khả năng giảng dạy, nghiên cứu và làm việc tại các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, bệnh viện, công ty, xí nghiệp.

- Có khả năng tiếp tục theo học ở các bậc học cao hơn tại các trường đại học trong và ngoài nuớc.

- Có ý tưởng xây dựng, thiết kế, vận hành các hệ thống trong các công ty, xí nghiệp.

Triển vọng nghề nghiệp

Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc:

 

- Nhà máy điện hạt nhân & năng lượng: Với dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đang tái khởi động (10/02/2025), mở ra nhu cầu lớn về nguồn nhân lực kỹ thuật hạt nhân, đặc biệt là trong vận hành, bảo trì và an toàn lò phản ứng.

- Giảng dạy & nghiên cứu học thuật: Tốt nghiệp hệ Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ, bạn có thể giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học KHTN – ĐHQG‑HCM hoặc các cơ sở giáo dục khác trong nước & quốc tế. Bộ môn có dự án hợp tác quốc tế (Osaka University, Dubna…) với định hướng gửi học viên đi đào tạo tiến sĩ - mở đường cho con đường học thuật chuyên sâu.

- Y học hạt nhân & vật lý y khoa: Ứng dụng trong chẩn đoán, xạ trị, đặc biệt với lớp quốc tế về hình ảnh Y khoa hạt nhân vừa được tổ chức (23/02/2025). Có thể làm tại bệnh viện lớn (Chợ Rẫy, Ung Bướu), trung tâm y tế, hoặc phát triển kỹ thuật hạt nhân ứng dụng trong y học.

- Công nghiệp – Kiểm tra không phá hủy (NDT): Sử dụng bức xạ gamma, kỹ thuật hạt nhân vào kiểm tra kết cấu vật liệu, kiểm định mối hàn, khảo sát đường ống – phù hợp với các doanh nghiệp cơ khí, xây dựng, dầu khí

- Doanh nghiệp công nghệ cao: Các thông báo tuyển dụng thực tập & làm toàn thời gian từ Synopsys, TMA Solutions, Tripod Technology… (tháng 1–2/2025) cho thấy ngành học đang gắn kết chặt với doanh nghiệp công nghệ cao

- Quản lý chất thải & an toàn bức xạ: Làm việc tại các tổ chức chuyên về môi trường và an toàn, kiểm soát chất phóng xạ, đánh giá tác động môi trường – ứng dụng bức xạ trong nông nghiệp, y tế, công nghiệp

 

Học phí, học bổng và môi trường học

  • Học bổng:

- Học bổng khuyến khích học tập từng kỳ

- Học bổng của các cá nhân và doanh nghiệp hợp tác đào tạo

- Học bổng dành cho thủ khoa đầu vào

- Học bổng của hội cựu sinh viên của Bộ môn VLHN-KTHN-VLYK

  • Môi trường học:

Sinh viên ngành Kỹ thuật hạt nhân sẽ được học tập trong môi trường học thuật chuyên nghiệp của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên. Sinh viên được sử dụng hệ thống cơ sở vật chất hàng đầu Việt Nam của ĐH Quốc Gia TP.HCM với đầy đủ Ký túc xá, sân vận động, thư viện, ... Hơn nữa, với mục tiêu đào tạo chú trọng phát triển các kĩ năng thực tiễn, gắn đào tạo với nhu cầu xã hội, khoa Vật lý - Vật lý kỹ thuật đã kỹ kết hợp tác đào tạo với các doanh nghiệp công nghệ cao, các trường đại học uy tín. Do đó, sinh viên sẽ được thực tập thực tế tại các doanh nghiệp và các trường Đại học đối tác trong và ngoài nước. Ngoài ra, các hoạt động ngoại khóa gắn liền với đào tạo chuyên môn cũng được tổ chức thường niên.

Nghiên cứu ứng dụng

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng dựa trên nền tảng tích hợp cao độ của hệ thống kết nối Số hóa - Vật lý - Sinh học với đột phá của Internet kết nối vạn vật và trí tuệ nhân tạo. Do đó đào tạo khoa học cơ bản đóng vai trò hết sức quan trọng để đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP.HCM là một trong những cái nôi khoa học của cả nước với 9 Khoa và nhiều trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm trọng điểm, do đó có thế mạnh liên ngành. SV ngành Kỹ thuật hạt nhân sẽ được tham gia vào nhiều đề tài nghiên cứu có tính ứng dụng cao nhằm giải quyết các vấn đề khoa học kỹ thuật có tính liên ngành cao.

Các hướng nghiên cứu đang được thực hiện: https://vlhn-hcmus.com/nghien-cuu/nghien-cuu-khoa-hoc.html

Hoạt động sinh viên

Sinh viên ngành Kỹ thuật hạt nhân có thể tham gia câu lạc bộ anh văn tại Bộ môn Vật lý Hạt nhân - Kỹ thuật hạt nhân - Vật lý Y khoa nhằm:

  • Cải thiện sự tự tin trong giao tiếp tiếng Anh

  • Tăng cường vốn tiếng Anh chuyên ngành

  • Giao lưu với Thầy/Cô trong bộ môn

  • Tham gia các hội thảo về chuyên ngành

  • Kiến tập thực tế tại các bệnh viện như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Ung Bướu...

  • Ngoài ra, các sinh viên ưu tú có thể được chọn để tham gia các khoá Sakura, thực tập thực tế tại Nhật Bản

Sinh viên và cựu sinh viên tiêu biểu

Đánh giá của nhà tuyển dụng